Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Chìa khóa'' tạo sức bật

Thiện Mỹ| 23/07/2021 06:07

(HNM) - Vốn được xem là “chìa khóa” để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, cạnh tranh của sản phẩm, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ tạo những bước nhảy vọt trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, với Thủ đô, nơi hội tụ nhiều tiềm lực và tiềm năng khoa học, công nghệ càng cần được chú trọng để góp phần cùng cả nước phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện, bền vững.

Với ý nghĩa ấy, những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao... Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy Hà Nội không xây dựng chương trình riêng về khoa học, công nghệ, mà lồng ghép với Chương trình số 04-CTr/TU (Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh).

Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt quan trọng và những yêu cầu mới đang đặt ra, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã xây dựng Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình riêng, nhằm xây dựng thành phố trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô vẫn bị níu bước bởi nhiều rào cản. Trong đó, vẫn có sự chồng chéo về quy định pháp luật; khó khăn trong góp vốn, thế chấp bằng quyền sở hữu trí tuệ dù quy định đã khá rõ ràng… Trên bình diện chung, Hà Nội vẫn đang thiếu những cơ chế, chính sách cốt lõi để tạo sức bật cho lĩnh vực này, là thách thức trong thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước như mục tiêu thành phố đã đề ra.

Hóa giải điều này, trước mắt, cơ quan chức năng cũng như đơn vị liên quan cần thực hiện đúng những quy định về vay vốn ưu đãi, chấp nhận bản quyền sở hữu trí tuệ là tài sản để doanh nghiệp được góp vốn, tăng tài sản... Những rào cản này tồn tại đã lâu, rất cần được các cấp, các ngành có giải pháp tháo gỡ. Song ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động thay đổi tư duy, tự lực đi lên, không quá trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Con đường ngắn nhất để tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ là khơi thông nguồn lực của xã hội, của doanh nghiệp. Do đó, cấp thẩm quyền cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính; xem xét thí điểm những mô hình mới phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư; lấy doanh nghiệp là trung tâm để xây dựng chính sách và cải cách thủ tục thực chất hơn nữa...

Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với định hướng rất cụ thể nên các sở, ngành, đơn vị liên quan cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, đặc biệt tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách pháp luật, bởi đây là cái gốc để tạo cơ chế đột phá cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bứt phá.

Có thể thấy, thành tựu của tất cả các ngành trong thời gian qua đều có dấu ấn của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, tạo được hành lang pháp lý phù hợp chính là “chìa khóa” mở cánh cửa cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thêm sức bật, thật sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Chìa khóa'' tạo sức bật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.