Đô thị

Hà Nội định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quản trị đô thị

Bảo Hân 07/08/2023 18:41

Chiều 7-8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội tổ chức toạ đàm lấy ý kiến các đơn vị, sở ngành, chuyên gia về định hướng, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông Thủ đô Hà Nội, phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

6a10fb6ed1c2029c5bd3.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải chủ trì buổi làm việc.

Đại diện đơn vị tư vấn nêu các định hướng, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 theo hướng phục vụ quản trị đô thị; hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng công viên khoa học và công nghệ và Thủ đô thông minh…

Hà Nội sẽ đi đầu về số lượng tổ chức về khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế; đồng bộ, hài hoà trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thủ đô cũng là hình mẫu, nơi dẫn dắt, hội tụ tri thức và công nghệ; lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động đổi mới sáng tạo; lấy giá trị giao dịch công nghệ làm trọng tâm trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ…

Phương án phát triển thông tin và truyền thông Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được liên danh tư vấn nêu rõ về định hướng chuyển đổi số, phát triển bưu chính số; phát triển hạ tầng số; chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn thông tin mạng…

Về chuyển đổi số, định hướng đến năm 2025, phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Trong phần lớn thời gian buổi làm việc, lãnh đạo các Sở: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông báo cáo về việc phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai lập Quy hoạch Thủ đô của đơn vị và đề xuất những nội dung lớn, cần quan tâm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô và một số dự án lớn, trọng tâm của ngành, lĩnh vực.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông mong muốn các đơn vị tư vấn không chỉ dựa vào hệ thống thông tin, dữ liệu được cung cấp mà cần tiếp tục gặp gỡ, làm việc trực tiếp với từng bộ phận của các sở, ngành để hiểu rõ hơn về nội dung đang lập quy hoạch, trên cơ sở đó tham mưu “trúng và đúng” cho thành phố.

Tập trung đóng góp ý kiến về định hướng, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông Thủ đô Hà Nội, các chuyên gia cùng chung mong muốn các đơn vị tư vấn đánh giá đầy đủ, khách quan, tránh phiến diện về thực trạng phát triển của cả hai lĩnh vực; làm rõ vai trò, chức năng của những lĩnh vực này đặt ra trong bối cảnh mới. Ngoài ra, các đơn vị cần bám sát đề cương chung, các yêu cầu “đặt hàng” của chủ đầu tư, các nguyên tắc trong quá trình lập quy hoạch đã được thành phố chỉ rõ.

Đáng lưu ý, đại diện một doanh nghiệp dự toạ đàm mong muốn những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được thể hiện rõ nét trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phát biểu kết luận toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải yêu cầu các sở, ngành tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục làm việc với đơn vị tư vấn. Các đơn vị tư vấn bám sát định hướng phát triển khoa học - công nghệ của thành phố nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hạ tầng thông tin và truyền thông của Thủ đô cần được phát triển đồng bộ và liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một chỉnh thể thống nhất, hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ số tiên tiến; có khả năng cung cấp các dịch vụ thông tin và truyền thông tin cậy với giá cả phù hợp cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

* Sáng cùng ngày, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cũng đã phối hợp với các Sở Văn hóa - Thể thao, Du lịch, Ngoại vụ tổ chức tọa đàm bàn về phương án phát triển của ngành, lĩnh vực và nguyên tắc, cách thức tích hợp nội dung đề xuất vào Quy hoạch Thủ đô.

6a930e90233cf062a92d.jpg
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đóng góp ý kiến.

Đáng chú ý, trong định hướng mở rộng không gian văn hóa, đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch, liên kết với không gian Hoàng Thành Thăng Long - Cổ Loa nhằm kết nối khu vực nội đô lịch sử với cửa ngõ phía Đông của thành phố.

Đối với lĩnh vực thể thao, đầu tư xây dựng đồng bộ mạng lưới cơ sở thể dục thể thao, khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở thể dục thể thao quốc gia, các bộ ngành, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội gắn với việc mở rộng, nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao cho mọi người và đầu tư phát triển các môn thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp có trọng điểm.

Về tổ chức không gian phát triển du lịch, sẽ phát triển theo cụm, hành lang, tuyến du lịch. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030, phát triển theo 7 cụm, như: Cụm du lịch Trung tâm Hà Nội; Cụm du lịch phía Tây (Sơn Tây - Ba Vì); Cụm du lịch phía nam…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quản trị đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.