(HNM) - Trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đang diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu rõ: Việc Seoul vội vã ra quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối...
Hệ thống THAAD có bảo vệ được Hàn Quốc hay không đang là vấn đề gây tranh cãi. |
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây ra lệnh thiết lập thêm 4 bệ phóng tên lửa thuộc hệ thống THAAD của Mỹ tại nước này, sau khi Triều Tiên liên tiếp tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo trong tháng 7. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Hàn Quốc để phản đối. Trung Quốc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, việc triển khai THAAD vượt xa nhu cầu phòng vệ của Hàn Quốc và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh chiến lược của Bắc Kinh. Tuy nhiên, cả Mỹ và Hàn Quốc đều trấn an Trung Quốc rằng, hệ thống phòng thủ này chỉ nhằm đánh chặn các tên lửa từ Triều Tiên.
Thực tế, căng thẳng lần này giữa hai nước Châu Á không mới. Hồi tháng 3 vừa qua, Trung Quốc từng ra lệnh ngừng bán các tour du lịch đến Hàn Quốc với mục đích tạo sức ép đối với nỗ lực triển khai THAAD. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa cũng khiến hàng hóa của Hàn Quốc bị tẩy chay tại Trung Quốc. Nhiều công ty Trung Quốc tuyên bố cắt đứt quan hệ kinh doanh với Lotte do tập đoàn Hàn Quốc này đã đổi đất cho chính phủ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Ngày 4-7 vừa qua, Bắc Kinh đã cùng Mátxcơva ra tuyên bố chung, kêu gọi Mỹ ngừng triển khai THAAD. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định, Washington sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Tới cuối tháng 7, nước này thậm chí đã thử nghiệm THAAD trên Thái Bình Dương, ngay sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ hai. Những động thái trên dẫn tới việc ngày 6-8, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Lưu Kết Nhất đã lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ yêu cầu chấm dứt việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, đồng thời dỡ bỏ toàn bộ các trang thiết bị có liên quan.
Trong bối cảnh căng thẳng ấy, rất may chính phủ hai nước vẫn thể hiện mong muốn tìm tiếng nói chung. Điều này thể hiện khá rõ nét khi cả hai bên đều đồng thuận với việc HĐBA LHQ thông qua lệnh trừng phạt mới, nhằm vào các lĩnh vực xuất khẩu của Triều Tiên, đồng thời cấm tất cả các nước tiếp nhận lao động Triều Tiên... Đây được xem là nỗ lực nhằm cắt đứt nguồn tài chính cũng như các nguồn nguyên liệu phục vụ dự án phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng. Ngay trong cuộc gặp gỡ tại Manila vừa qua, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã đề xuất Hàn Quốc và Trung Quốc tiến hành đối thoại nhằm giải quyết bất đồng. Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng bày tỏ hy vọng các bên liên quan cân nhắc kỹ các hành động của mình, tránh làm leo thang căng thẳng để tạo điều kiện sớm nối lại đàm phán hạt nhân 6 bên.
Có thể khẳng định những tranh cãi giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, dù còn khá căng thẳng, nhưng không xuất phát từ mâu thuẫn trực tiếp. Những rắc rối này xuất phát từ sự khác biệt về quan điểm đối với chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Theo các nhà phân tích, việc tranh cãi tay đôi giữa hai nước sẽ không phải là yếu tố giúp giải quyết căng thẳng. "Chìa khóa" hóa giải mọi mâu thuẫn lúc này chính là việc nỗ lực đàm phán đa phương và những hành động thiết thực hơn từ các bên nhằm giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.