Giao thông

Mâu thuẫn biển báo cấm đỗ xe và biển trông giữ xe

Kim Vũ 15/07/2024 - 06:09

Một mâu thuẫn đang tồn tại ở không ít tuyến phố tại địa bàn quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) là có cả biển báo cấm dừng đỗ và biển trông giữ xe ô tô trên cùng một phố.

Do đó, khi người điều khiển phương tiện chỉ tạm đỗ ít phút thì đã bị các doanh nghiệp khai thác điểm trông giữ xe ở đây yêu cầu thu tiền. Mặc dù việc này được cơ quan chức năng lý giải là đúng quy định hiện hành, tuy nhiên cần được tuyên truyền nhiều hơn để người điều khiển phương tiện hiểu và thực hiện, tránh gây bức xúc.

bien-bao-cam-do-xe-va-bien-.jpg
Biển báo cấm đỗ xe và biển trông giữ xe sát nhau trên tuyến phố Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Ghi nhận thực tế của phóng viên trên địa bàn quận Cầu Giấy, ngay đầu tuyến phố Trần Thái Tông, đoạn từ đường Xuân Thủy rẽ vào là biển cấm đỗ xe, nhưng đi tiếp chưa đầy 100m là biển trông giữ xe của Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Khoảng 50m tiếp theo, một biển trông giữ xe của công ty này được cắm xen kẽ với biển cấm đỗ. Tuyến phố Trần Thái Tông dài 500m từ điểm giao nhau giữa đường Cầu Giấy và đường Xuân Thủy đến ngã ba phố Tôn Thất Thuyết, Phạm Văn Bạch. Đếm sơ sơ từ đầu phố đến cuối phố có khoảng 5 biển cấm đỗ xe, nhưng hầu hết một phần lòng đường của tuyến phố đều dành để khai thác làm điểm trông giữ xe ô tô.

Điều đáng nói, các biển báo cấm dừng, đỗ xe vẫn được đặt dọc hai bên tuyến phố, xen kẽ vào đó lại là biển báo trông giữ xe của 2 đơn vị. Do vậy, nhiều người không biết phân biệt đâu là biển báo hợp lệ. Đáng lưu ý, nhiều nhân viên bảo vệ còn thu tiền không theo nguyên tắc, cứ khách đến là thu 50.000 đồng/xe ô tô dù khách vào 10 phút hay 1 giờ.

Mâu thuẫn này cũng diễn ra tại phố Duy Tân (quận Cầu Giấy). Từ đầu phố Duy Tân hướng đi Phạm Hùng có khoảng 6 biển cấm đỗ nhưng cũng có các biển trông giữ xe do Công ty TNHH MK Home thực hiện. Ở chiều ngược lại của tuyến phố, tình trạng nhiều phương tiện đỗ kín mít bên lề đường khá phổ biến.

Chị Nguyễn Vân Anh, người dân phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) chia sẻ, ngay đầu tuyến phố Duy Tân đã đặt biển báo cấm đỗ xe, nhưng cạnh đó lại cắm biển thông báo điểm trông giữ xe ô tô khiến người tham gia giao thông thắc mắc về sự chồng chéo này và thường xuyên nhầm lẫn.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Tống Xuân Duy cho biết, hai tuyến phố Duy Tân và Trần Thái Tông có nhiều cơ quan công sở hoạt động nên thiếu điểm trông giữ xe nghiêm trọng. Do đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã khảo sát, lấy ý kiến các cơ quan chức năng phường, quận để nghiên cứu và cấp phép cho các công ty khai thác điểm đỗ hoạt động nhằm giải quyết nhu cầu của người dân. Việc cấp phép cho hoạt động trông giữ xe hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế của phường. Người dân cần xem kỹ các biển báo để đỗ xe đúng nơi được cấp phép trông giữ và không dừng đỗ tại các điểm cấm đỗ, tránh bị xử phạt.

Trả lời vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Trần Đăng Hải cho biết, Sở và UBND các quận, huyện đang cấp phép tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện giao thông tại các vị trí đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông theo thẩm quyền phân cấp, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn.

Ông Trần Đăng Hải khẳng định, việc cả biển cấm đỗ xe và biển “P” (biển báo nơi đỗ xe) cùng tồn tại trên một tuyến phố là đúng quy định. Tại Điều 18, Khoản 3, Điểm C, Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13-11-2008, trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó. Bên cạnh đó, tại Điều 11, Khoản 3, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có biển báo tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo tạm thời.

Như vậy, theo giải thích của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc cắm biển báo cấm dừng, đỗ và biển trông giữ xe trên cùng tuyến phố là đúng quy định. Tuy nhiên, người dân vẫn thắc mắc là do chưa nắm rõ quy định nên có thể chưa chấp hành đúng hiệu lệnh của biển báo tạm thời, tạo nên những thắc mắc, khó hiểu. Thực tế này đòi hỏi chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để người tham gia giao thông thực hiện đúng quy định, tránh những hiểu nhầm, bức xúc đang xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mâu thuẫn biển báo cấm đỗ xe và biển trông giữ xe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.