(HNM) - Nhìn trong khu vực, Malaysia có Luật Kiến trúc sư (KTS) từ năm 1967; với các nước Châu Âu như Italia... Luật KTS có từ năm 1923. Ở Việt Nam, đặt vấn đề về sự cần có một bộ luật điều chỉnh hoạt động hành nghề KTS không phải là cho "hợp mốt", mà là thể hiện sự trăn trở về vấn đề này trong suốt 20 năm qua của giới KTS.
Ngày Kiến trúc sư Việt Nam (27-4) năm nay, từ những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, câu chuyện cần thiết xây dựng Luật KTS một lần nữa được Hội KTS đặt ra.
Luật KTS hay Đoàn KTS có trước?
Nhu cầu cần có một tổ chức điều chỉnh hoạt động kiến trúc khiến giới KTS sốt sắng lo việc thành lập Đoàn KTS Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính thực tiễn làm nghề khiến họ có nhận thức mới, rằng cần có Luật KTS trước và sự hình thành Đoàn KTS là một nội dung nằm trong quy định của luật. KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng: Không có Luật KTS thì không thể thành lập được Đoàn KTS. Còn theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam thì đó là nhận thức mà phải mất 20 năm kể từ ngày khởi động việc thúc đẩy sự ra đời của luật này, đến nay chúng ta mới có được một cách rõ ràng.
Luật Kiến trúc sư ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiến trúc. Ảnh: Huy Hùng |
Mới đây, một đề tài khoa học cấp bộ về kiến trúc đã phân biệt Hội KTS với Đoàn KTS, trong đó "Hội là tổ chức sáng tạo nghệ thuật và phản biện xã hội của tất cả các KTS tình nguyện. Đoàn KTS là tổ chức của những KTS hành nghề". Cái tên "Luật KTS" cũng từng gây ra không ít tranh luận. Đến nay, người trong nghề nhất trí bảo vệ quan điểm Luật KTS hay Luật hành nghề KTS ra đời không phải chỉ "nhăm nhăm" bảo vệ KTS, mà thực chất là điều chỉnh một hoạt động nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn tới tính mạng, tài sản và quyền lợi của cá nhân cũng như cả cộng đồng.
Nói Việt Nam cần có Luật KTS không có nghĩa là khoảng 17 nghìn KTS hiện nay đang hoạt động… tự do. Hành lang pháp lý cho các KTS hành nghề có thể thấy ở Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản… Nhưng theo PGS-TS-KTS Trần Trọng Hanh, "những quy định còn chung chung không thể giải quyết được những vấn đề riêng, có tính đặc thù của giới kiến trúc; văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề tuy nhiều nhưng không phù hợp với thông lệ quốc tế". KTS Hoàng Đạo Kính phân tích: Môi trường hành nghề thay đổi không ngừng, KTS phải đối mặt trực tiếp với những quan hệ mới, như với khách hàng, với hành nghề tự do, với vai trò chủ doanh nghiệp hoặc vai trò người làm thuê… Khách hàng chủ yếu là ngoài quốc doanh, nhưng cho đến nay vẫn thiếu văn bản pháp quy điều tiết mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế. Thực tế cho thấy khi xảy ra tranh chấp, nhiều trường hợp các bên liên quan không biết xử lý ra sao.
Nhà sáng tạo, người có tiền - ai là tác giả?
Có một vấn đề gợi ra nhiều ngóc ngách nổi cộm trong giới nghề nghiệp, đó là "quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc". KTS - nhà báo Nguyễn Thanh Tùng nói: "Vai trò của KTS đối với xã hội là rất quan trọng, nhưng trách nhiệm lại rất mờ nhạt. KTS giỏi và KTS kém đều hành nghề như nhau, nhưng hậu quả hay hiệu quả lại hoàn toàn khác nhau".
Hay những vấn đề khác, như KTS là người hành nghề nhưng chủ đầu tư mới là người có tiền, có quyền quyết định. Một công trình kiến trúc ra đời không dựa trên sự cộng hưởng giữa nhu cầu của chủ đầu tư với kiến thức, trình độ của KTS thì dễ để lại hậu quả xấu và trong trường hợp ấy, cơ hội sửa sai hầu như không có. Về điều này, KTS Võ Trọng Nghĩa, người có nhiều công trình được đánh giá cao trên thế giới chia sẻ: Trước hết, KTS phải có sự tâm huyết với công trình, phải biết truyền cảm hứng và sự hiểu biết của mình để thuyết phục chủ đầu tư. Không thể phủ nhận hiệu quả từ nỗ lực cá nhân KTS, song thử hỏi trong thực tế có bao nhiêu người có thể vượt qua sự "lấn sân" của chủ đầu tư để công trình kiến trúc "rõ vai trò kiến trúc sư"? Và xét ở môi trường hành nghề, nếu chỉ dựa vào nỗ lực riêng lẻ mà không có một hệ thống điều luật làm "tay vịn" thì động lực sáng tạo của KTS liệu có còn nguyên nghĩa? Một KTS dày công sáng tạo mà thành quả không mang tên họ, liệu điều gì sẽ xảy ra ở những bản thiết kế tiếp sau đó? Bởi vậy, quyền tác giả của KTS phải được luật hóa.
Thực tế đòi hỏi quyền tác giả của KTS phải được luật hóa. Ảnh: Huy Hùng |
Một vấn đề khác, là phải có căn cứ pháp lý xác định tiêu chí cần có đối với người hành nghề KTS, chẳng hạn như quy định về một kỳ thi sát hạch quốc gia để lấy chứng chỉ KTS. Tại Malaysia, có quy định rằng muốn trở thành KTS chuyên nghiệp thì phải qua phần kiểm tra gồm 3 vòng: nộp hồ sơ kinh nghiệm hoạt động (tối thiểu hai năm, trong đó phải có ít nhất một năm tại Malaysia), phỏng vấn, kiểm tra viết (kiến thức về luật pháp, kỹ năng hành nghề…). Đồng tình với quan điểm nói trên, KTS Ngô Viết Nam Sơn xác định KTS là chức danh hành nghề, những người làm việc trong các lĩnh vực khác của KT như giảng dạy, nghiên cứu, quản lý… không cần thiết dùng danh KTS trừ khi họ vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề KTS.
Lượng và chất
Nhiều ý kiến cho rằng lực lượng KTS của ta đông nhưng chưa mạnh và gần như không được trang bị kiến thức về pháp luật, các kỹ năng hành nghề cần thiết. Những năm qua, lực lượng KTS gia tăng khá nhanh về số lượng. Cả nước có 13 trường ĐH đào tạo chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch và trong thực tế, lực lượng này đã đạt tỷ lệ bình quân 1,2 KTS/10 nghìn dân. Tuy nhiên, theo KTS Hoàng Anh Tú, không phải 100% KTS ở ta có cơ hội hành nghề. Theo thống kê, chỉ có khoảng 30% số lượng KTS cả nước hiện đang trực tiếp sáng tác, thiết kế; số còn lại tham gia vào các lĩnh vực, ngành nghề khác. Hơn nữa, xét trong số những KTS đang hành nghề, không nhiều người có được những tác phẩm tạo dấu ấn.
Soạn thảo và ban hành Luật KTS là điều mà giới KTS rất cần. Những điều luật chi tiết đối với hoạt động KTS không chỉ giúp giới kiến trúc có hành lang pháp lý để khuyến khích sự sáng tạo, mà còn giúp người trong giới khu biệt rõ các chức danh trong hành nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.