Kiến trúc

Kiến trúc sư Lê Lương Ngọc: Để tâm hồn đồng điệu với xung quanh

Đinh Thúy thực hiện 14/01/2024 - 06:30

Mang tinh thần hiện đại nhưng luôn thấp thoáng bóng dáng truyền thống, đó là điều mà nhiều người cảm nhận được trong những thiết kế của kiến trúc sư Lê Lương Ngọc - Kiến trúc sư trưởng của văn phòng V - Architecture. Với anh, kiến trúc là phương tiện để tâm hồn con người đồng điệu với vạn vật xung quanh.

kien-truc.jpg

- Thưa kiến trúc sư (KTS) Lê Lương Ngọc, từ xa xưa, ông cha ta thường sử dụng mành tre để chắn nắng. Khi đến với công trình nhà Gi - cũng là văn phòng làm việc của anh và các cộng sự, tôi thấy những mành tre với quy mô khá lớn ở hướng Tây, Tây Bắc như một lớp bao che hữu hiệu cho ngôi nhà?

- Những ngôi nhà truyền thống của người Việt thường là nhà mái ngói, nhà mái lá, mái rơm; nhà khá giả thì tường gạch, vách gỗ; nhà khó khăn hơn thì vách rơm và đất, vách tre. Nhưng có 3 thành tố luôn tồn tại trong nhà truyền thống là: Giậu - ngăn chia không gian thấp, thường là các loại cây; Giại - dùng để che nắng, cản bớt mưa; Giàn - để che nắng, định hướng gió và để cây cối mọc.

Trong ngôi nhà này, để tiết kiệm vật liệu và năng lượng, chúng tôi chỉ dùng 1/3 diện tích được ngăn chia. Còn lại 2/3 được làm dưới dạng cái giậu, cái giại và cái giàn, để mọi người ở các tầng có thể tương tác với nhau, tương tác với thiên nhiên. Mọi người hay sử dụng thân cây tre là chủ đạo, còn chúng tôi đã gom cành tre lại và đan thành một mặt tiền, cho cây cối mọc xung quanh.

Ngôi nhà này chúng tôi làm cho 5 người cao tuổi cùng sinh sống, cộng với văn phòng kiến trúc ở tầng 1 và 2. Mặc dù là ở nhà tầng nhưng tôi mong muốn mọi người vẫn có thể tương tác với nhau qua những khoảng không gian hở, thoáng. Người già có thể cảm nhận được thiên nhiên - gió, cảm nhận được mùi qua các tầng khi nấu nướng, có thể gọi nhau, cảm nhận được âm thanh đường phố... Những điều đó làm cho mối quan hệ cá nhân giữa các tầng được gắn kết với nhau.

- Khi nhìn sang những thiết kế khác của anh như công trình “Nhà mẹt” - dùng mẹt tre để chống nóng, “Nhà buông” - tận dụng những viên bê tông vốn là mẫu đúc thí nghiệm của các mẻ bê tông xi măng - để sắp xếp thành một lớp bao che cho ngôi nhà, có thể thấy sự tận dụng các vật liệu quen thuộc. Và dường như anh cũng rất kỳ công để mỗi công trình trông như một tác phẩm sắp đặt?

- Thực ra chúng tôi quan niệm vẻ đẹp cũng là một công năng và tận cùng của công năng chính là thẩm mỹ. Ví dụ: Trà là thức uống, nhưng nếu uống mãi, uống mãi và nâng tầm mọi khâu lên sẽ thành trà đạo. Kiến trúc là để phục vụ con người nhưng con người cũng cần cái đẹp, không chỉ là nơi để ở.

- KTS Lê Lương Ngọc sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Kỷ niệm tuổi thơ có ảnh hưởng nhiều đến công việc thiết kế kiến trúc của anh?

- Những năm thơ bé, tôi thường được bà đưa đi lễ chùa. Tôi vẫn nhớ như in, tại sân trong, các cụ đã xây bể chứa nước mưa. Ánh sáng lấp lánh của nước mưa hắt lên mái hiên làm cho tôi say mê, ngắm nhìn suốt buổi. Sau này, khi làm nghề kiến trúc, tôi hiểu thêm nhiều điều từ công năng của bể nước ấy. Ngoài việc thu nước mưa để dùng, bể nước có thể làm mát, có thể khuếch tán ánh sáng vào sâu trong nội thất ngôi chùa. Ở đó cũng có thể nghe rõ âm thanh của mưa - những thứ rất quan trọng với tinh thần con người.

kien-truc-1.jpg

- Trong tâm thức sáng tạo của anh cũng có một sự gắn bó nhất định với đất, tranh, tre, nứa, lá... với những học hỏi từ kinh nghiệm dân gian. Khi soi chiếu những xu hướng thiết kế đương đại, với cá nhân anh, đó là sự tiếp nối hay là cố gắng “bắt trend”?

- Nói theo các nhà sử học thì chúng ta có hàng nghìn năm lịch sử, trải qua bao nhiêu đời người. Vậy thì tôi, với kiến thức 5 năm đại học và hơn 20 năm hành nghề, làm sao tôi “lại” được hàng nghìn năm lịch sử ấy. Học hỏi dân gian là điều tất yếu. Còn vật liệu, tôi nghĩ rằng đó chỉ là phương tiện để tạo ra môi trường sống tiện nghi cho con người. Vật liệu gì cũng có ưu điểm riêng, miễn là chúng ta sử dụng nó đúng thời điểm, đúng vị trí.

Chúng tôi đang xây dựng một công trình “Lều pha lê” gần bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) - một địa điểm “nóng” về các vấn đề môi trường. Công trình này được xây dựng bằng chính những vật liệu tái chế được thu thập từ bãi rác. Chúng tôi muốn khi mọi người đến tham quan hay vui chơi, học tập có thể trải nghiệm về tự nhiên và học hỏi cách chúng ta sử dụng vật liệu. Ngay cả với những vật liệu đã bị vứt đi cũng có thể tạo nên một không gian tiện nghi.

Chúng tôi cũng thử nghiệm những không gian cực nhỏ về mặt diện tích. Chúng ta thường mong ước “nhà cao, cửa rộng” và luôn nghĩ mỗi khi có cơ hội thì phải xây nhà to hơn, rộng hơn. Chính điều đó cũng tạo ra những vấn đề môi trường và thảm họa sinh thái. Chúng ta hãy nghĩ lại, thực sự mình cần bao nhiêu không gian? Không gian mà chúng tôi thử nghiệm nhỏ đến ngưỡng mọi người vẫn tồn tại, có thể vẫn cảm thấy dễ chịu, trải nghiệm đủ thứ bằng những vật liệu bình thường mà ta có thể vứt đi.

- Trân trọng cảm ơn KTS Lê Lương Ngọc!

KTS Lê Lương Ngọc sinh năm 1975. Các công trình của anh thể hiện sự học hỏi kinh nghiệm từ dân gian, đồng thời cho thấy mục đích hướng đến tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái. Lê Lương Ngọc cũng là một trong số 21 gương mặt KTS trẻ được đề cập trong cuốn sách “21 kiến trúc sư xanh đương đại Việt Nam” do TS.KTS Ngô Doãn Đức chủ biên và các KTS Nguyễn Trực Luyện, PGS.KTS Đặng Thái Hoàng, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính thực hiện, xuất bản năm 2017. Đây là cuốn sách đầu tiên tập hợp và giới thiệu các thiết kế “xanh” của lớp KTS trẻ Việt Nam hiện nay tới đông đảo giới hành nghề và công chúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến trúc sư Lê Lương Ngọc: Để tâm hồn đồng điệu với xung quanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.