Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận: Mối duyên hiếm có với Điện Biên

Thúy Đinh| 13/05/2023 06:15

(HNMCT) - Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận là người thiết kế công trình Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ông xem đó là cơ duyên hiếm có và tự hào khi được góp phần xây dựng hình ảnh của một địa danh lịch sử gắn liền với sự hy sinh của biết bao chiến sĩ, đồng bào để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.

- Thưa kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận, khi nói đến Điện Biên Phủ cùng chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, qua những trang sử, những tác phẩm nghệ thuật, ông hình dung về Điện Biên như thế nào trước khi thiết kế Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ?

- Tôi không có một chút ngỡ ngàng nào về lịch sử Điện Biên, bởi ngay từ bé tôi đã rất hiểu lịch sử. Thiết kế Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là cơ hội để tôi được đóng góp một điều gì đó cho mảnh đất này. Tôi suy nghĩ một cách nghiêm túc, làm thế nào để chuyển hóa tình cảm của mình về Điện Biên trong công việc sáng tạo. Để có được công trình xây dựng như hiện nay, tôi đã làm nhiều phác thảo để so sánh và trao đổi với chủ đầu tư. Có nhiều phương án, nhưng đều mang tinh thần làm thế nào để tác phẩm chứa đựng được những gì là đặc trưng của đất và người Điện Biên cùng sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Khi Bác Hồ trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các lãnh đạo của chiến dịch Điện Biên Phủ, một nhà báo Australia đã chụp được hình ảnh Người cầm chiếc mũ úp xuống mặt bàn, ý Bác muốn nói là phải đánh như thế. Tôi đã lấy ý tưởng chiếc mũ đó để thiết kế bảo tàng, đó là những nét riêng của Điện Biên. Đường đi, lối vào của bảo tàng được thiết kế giống hình ảnh công sự, giao thông hào nơi chiến trường…

- Thế còn với công trình Nhà tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 - được nâng cấp từ một không gian đã có sẵn, ông đã thực hiện như thế nào?

- Đó là một nghĩa trang nằm đối diện bên kia Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được thiết kế khá lâu rồi. Duy nhất có khu hành lễ là không đáp ứng được mong muốn của chính quyền địa phương cũng như nhân dân vì tác giả lúc trước làm hơi bé, từ xa người ta không thấy được điểm thu hút. Ngoài ranh giới của nghĩa trang là một quả đồi, có nhiều nhà dân phía sau lên nhìn khá lộn xộn, khi đứng làm lễ và nhìn thẳng lên thấy không trang nghiêm. Do đó, địa phương đặt ra yêu cầu thiết kế, tạo dựng không gian hành lễ trang nghiêm, ấn tượng. Tôi phải thiết kế làm sao không gian phải nằm trong điều kiện, hiện trạng cho phép nên những gì còn giữ lại được của thiết kế trước thì tôi vẫn giữ.

Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 quy tập phần mộ của 644 liệt sĩ. Họ là những ngôi sao sáng, những anh hùng đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc. Tôi đã tạo ra một phông hình tam giác khắc họa 644 ngôi sao, chính giữa là ngôi sao lớn nhất - ngôi sao Tổ quốc. Ngôi sao ấy được đặt trong hình hoa - xuất phát từ hoa văn thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái. Phông hình này đẹp cả ban ngày và ban đêm, đặc biệt về đêm lại càng lung linh. Trong thế tĩnh của hình nhưng lại tạo ra ma lực trong cảm nhận về mặt không gian, tượng trưng cho ý chí, quyết tâm của những con người đã hy sinh vì đất nước. Kiến trúc sư Lê Hiệp, bạn của tôi nói: “Ông Thuận đã mang cả rừng ban lên trên khu hành lễ này”. Đêm đầu tiên tôi được chứng kiến công trình hoàn thiện, hiệu ứng không gian, ánh sáng đúng như mình nghĩ.

- Trong thời gian thi công Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà ông vẫn có thể nhận lời thiết kế công trình Nhà tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1, cũng tạo ra sự tiếp nối về không khí lịch sử. Trong thời gian đó, điều gì đã tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của ông?

- Từ lúc sáng tác đến khi theo dõi, giám sát và làm việc với các nhà thầu, với anh chị em công nhân…, tôi được đắm mình trong những câu chuyện về Điện Biên, nghe nhân chứng lịch sử kể chuyện… Và không chỉ hai công trình này, UBND tỉnh Điện Biên lại đặt vấn đề với Hội Kiến trúc sư Việt Nam giúp cho việc thiết kế cửa khẩu Tây Trang. Hội Kiến trúc sư lại giới thiệu tôi. Không phải tôi ôm đồm mà thực sự trong tôi tràn trề nhiệt huyết và tình cảm, mong muốn được cống hiến cho Điện Biên. Cửa khẩu Tây Trang đến nay đã thiết kế xong với ý tưởng là hình ảnh phóng to của cái hồi nhà của người Thái, được Bộ Xây dựng duyệt và chờ ngày thi công. Ngoài ra có khu 10ha, tạo dựng lại hình ảnh chiến trường, tôi cũng tham gia cùng tỉnh Điện Biên.

- Đó là những công trình thể hiện sự hài hòa của nhiều yếu tố, cân bằng rất nhiều điều kiện?

- Người kiến trúc sư hơn kém nhau ở chỗ có huy động được tất cả yếu tố nghệ thuật, yếu tố nghề nghiệp vào tác phẩm của mình hay không. Có người cảm nhận ở góc độ này, có người cảm nhận ở góc độ khác nhưng khi nhìn vào tác phẩm phải tạo ra sự hứng khởi, sự liên hệ với nơi chốn, những điều kiện của địa phương, những hình ảnh quen thuộc mà người ta đã từng thấy trên mảnh đất đó.

- Trân trọng cảm ơn kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận: Mối duyên hiếm có với Điện Biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.