Từ khi hình thành, các công trình mang phong cách Đông Dương đã góp phần tạo dựng bản sắc cho đô thị Hà Nội với những thiết kế mang đậm tính dân tộc nhưng vẫn hiện đại. Ngày nay, trước nguy cơ quỹ di sản đô thị bị mai một, vấn đề đặt ra là cần tìm giải pháp khả thi nhằm bảo tồn bền vững các công trình kiến trúc mang phong cách độc đáo đó.
Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, về vấn đề này.
- Thưa Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, ông đánh giá như thế nào về vai trò của các công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương đối với vẻ đẹp cũng như giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố Hà Nội?
- Phong cách Đông Dương được coi là yếu tố góp phần vào sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, kiến trúc Pháp với môi trường, khí hậu, cảnh quan nhiệt đới và văn hóa truyền thống Việt Nam. Các công trình điển hình cho phong cách này là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (nằm trên phố Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm) và trụ sở Cục Thể dục thể thao (phố Trần Phú, quận Ba Đình), trụ sở Bộ Ngoại giao (phố Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình)...
Đó là chưa kể hơn 1.200 biệt thự được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đặc biệt là các biệt thự được xây dựng theo phong cách Đông Dương do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, thể hiện tính sáng tạo của người Việt.
Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa Á - Âu mà các công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương tại Hà Nội đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, thích ứng tốt với đặc điểm thời tiết và khí hậu của Việt Nam, ấm về mùa đông và mát về mùa hè, góp phần tạo lập bản sắc của một thành phố yên bình, cổ kính.
Bên cạnh đó, người Pháp không chỉ để lại những công trình kiến trúc độc đáo mà còn để lại những không gian công cộng như vườn hoa, tiểu cảnh, tượng đài có sự pha trộn hài hòa nét văn hóa Á - Âu. Nhiều chuyên gia đánh giá cao hệ thống cây xanh, vườn hoa đô thị được hình thành và phát triển bắt đầu từ thời Pháp thuộc, chủ yếu là các vườn hoa ở khu vực quận Hoàn Kiếm (11 vườn hoa) và Ba Đình, lớn nhất thời đó là vườn Bách Thảo (nay là Công viên Bách Thảo).
Đặc biệt, không gian xanh, tiểu cảnh trước đây phần lớn nằm trong kinh thành, cung điện hoặc nơi ở của vua, quan. Nhưng khi người Pháp xuất hiện, vườn hoa đã được đưa vào không gian công cộng để mọi người đều có thể tiếp cận.
Người Pháp còn có công trong việc quy hoạch lại các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, đặc biệt là cống ngầm. Tuyến cống đầu tiên được xây dựng ở đường Paul Bert (bây giờ là phố Tràng Tiền, Hàng Khay). Năm 1897 Hà Nội có khoảng 46km đường, năm 1905 tăng lên 87km. Đến năm 1928, người Pháp cho xây các tuyến phố mới nắn lại đường cống ngầm dưới phố Lò Đúc, Bà Triệu chảy về phía đê Bình Lao (nay là đường Trần Khát Chân). Năm 1939, người Pháp tiếp tục cho cho xây hệ thống cống nằm tập trung ở khu 36 phố phường...
- Những năm qua, các công trình này đã biến đổi như thế nào, thưa ông?
- Bảo tồn các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội chính là bảo tồn lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, những di sản này có lúc còn bị xem nhẹ, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Theo thống kê, Hà Nội có hơn 1.200 biệt thự, ngoại trừ những biệt thự được Nhà nước quản lý phục vụ cho cơ quan Chính phủ, ngoại giao nằm ở khu Ba Đình được giữ nguyên trạng, đa phần trong số còn lại đã bị biến dạng, bị cơi nới, thay đổi kiến trúc ban đầu.
- Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch như thế nào để bảo vệ những công trình này, thưa ông?
- Đầu năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954. Danh mục này gồm 1.216 nhà biệt thự cổ, được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cổ. Quyết định này nêu rõ, không được tự ý phá dỡ tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý, bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân...
Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, quận Hoàn Kiếm đã trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp như trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm tại số 2 phố Tràng Thi, trụ sở Công an phường Cửa Đông ở số 18 phố Nguyễn Quang Bích, Trường Mầm non 1-6 tại số 23 Nguyễn Quang Bích, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương tại 26 Hàng Bài... Đặc biệt là Dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France, quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX).
Sau nhiều nỗ lực, tháng 4-2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án và đến tháng 4-2023 đã cơ bản hoàn thành công tác trùng tu bên ngoài ngôi biệt thự này... Tuy nhiên, so với giá trị của quỹ di sản kiến trúc gồm rất nhiều hạng mục này, đó mới chỉ là những hoạt động nhỏ lẻ, chưa diễn ra trên diện rộng như cần phải thế.
- Theo ông, Hà Nội cần có thêm những giải pháp nào để nâng tầm, phát huy giá trị của di sản đô thị đặc biệt này?
- Về giải pháp bảo tồn, trước hết phải nhận diện được giá trị của nó. Hà Nội đẹp và quyến rũ một phần chính là nhờ những công trình kiến trúc như thế. Sự đan xen, hòa quyện giữa các đường nét kiến trúc cổ với nghệ thuật kiến trúc Pháp đã tạo nên một không gian kiến trúc Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại, tồn tại mãi với thời gian.
Tiếp đó, chúng ta cần chú ý tới tuổi thọ của các công trình này. Đến nay, đa số công trình mang phong cách Đông Dương đều có tuổi đời khá cao. Chính vì thế, để bảo tồn một cách hiệu quả thì chúng ta phải lập hồ sơ di sản. Hiện nay, hồ sơ thiết kế của các công trình kiến trúc của người Pháp, bao gồm cả những công trình công cộng, đều vẫn còn và được lưu giữ ở Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, nên việc lập hồ sơ khá thuận lợi.
Bên cạnh đó, chúng ta phải biết cách phát huy, quảng bá giá trị của quỹ di sản đô thị này. Nhiều năm qua, tại các công trình văn hóa - kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia..., các bên liên quan đã tổ chức những tour tham quan trải nghiệm để giới thiệu vẻ đẹp kiến trúc, giá trị lịch sử của công trình. Tuy nhiên, so với tiềm năng và giá trị thì rõ ràng là việc phát huy thế mạnh của các công trình văn hóa - kiến trúc Pháp tại Hà Nội vẫn chưa được thực hiện một cách hoàn hảo.
Đặc biệt, chúng ta không chỉ bảo tồn kiến trúc Đông Dương mà còn bảo tồn cả những không gian kiến trúc xung quanh nó như vườn hoa, tiểu cảnh, tượng đài... Về các không gian xanh, trước đây người Pháp phân định mỗi tuyến phố trồng một loài cây, ví dụ như trồng sấu ở phố Phan Đình Phùng, trồng sao ở Lò Đúc... Chúng ta có thể nghiên cứu kinh nghiệm này để tạo lập bản sắc đô thị Hà Nội, phục vụ lợi ích của cộng đồng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.