(HNM) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ban hành Đạo luật nông nghiệp (ngày 7-2), đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh cãi kéo dài hơn ba năm qua về chính sách trợ cấp nông nghiệp và chương trình tem phiếu lương thực, thực phẩm dành cho người nghèo (SNAP).
Đạo luật này là văn bản thỏa hiệp chính trị giữa các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa nắm đa số tại Hạ viện và đảng Dân chủ giữ quyền kiểm soát Thượng viện cho phép Chính phủ Mỹ phân bổ 956 tỷ USD nhằm thực thi các chính sách nông nghiệp trong 10 năm tới, trong đó có tới 80% ngân quỹ dành cho chương trình SNAP. Thay đổi đáng kể nhất với trợ cấp nông nghiệp trong dự luật mới là xóa bỏ chương trình liên bang về thanh toán trực tiếp, trong đó trả cho nông dân 5 tỷ USD mỗi năm cho dù họ có trồng trọt hay không. Đạo luật mới cũng sẽ cắt giảm 1% trợ cấp cho chương trình SNAP, tương đương 8 tỷ USD trong vòng 10 năm. Mức giảm này nhỏ hơn nhiều so với con số 40 tỷ USD do các nghị sĩ đảng Cộng hòa đưa ra, nhưng vẫn gấp đôi so với yêu cầu cắt giảm do các nghị sĩ đảng Dân chủ đề xuất. Với đạo luật mới, điều kiện tiếp tục được hưởng chế độ tem phiếu lương thực, thực phẩm sẽ tùy thuộc mức thu nhập và số nhân khẩu trong gia đình. Theo đó, những gia đình có bốn người giờ đây chỉ được nhận tem phiếu lương thực tối đa 632 USD/tháng so với mức 668 USD/tháng trước ngày 1-11-2013. Hiện nay, khoảng 83% phúc lợi tem phiếu lương thực là dành cho những gia đình có một con nhỏ, một người cao tuổi hoặc một người khuyết tật hay những gia đình 4 người có thu nhập dưới 2.552 USD mỗi tháng.
Số lượng người Mỹ sử dụng tem phiếu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng. |
Chế độ tem phiếu Mỹ ra đời kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930 và được duy trì liên tục cho đến ngày nay. Chế độ này được áp dụng với người có thu nhập hằng tháng dưới chuẩn nghèo Mỹ, khoảng 18.500 USD/năm cho một gia đình 3 người, và có tài sản dưới 2.000 USD. Các đời Tổng thống Bill Clinton, George W.Bush và B.Obama đều nỗ lực để nâng cao nhận thức về chương trình tem phiếu này như một ưu việt của chế độ và loại bỏ sự kỳ thị vốn có khi người được thụ hưởng nói riêng và dân chúng Mỹ nói chung liên tưởng với chế độ tem phiếu của các nền kinh tế tập trung theo đường lối Xã hội chủ nghĩa. Trong hơn một thập kỷ qua, số người nhận tem phiếu lương thực, thực phẩm tại Mỹ liên tục tăng. Đến nay, đã có gần 48 triệu người Mỹ (15% dân số) sống dựa vào chế độ tem phiếu. Con số này đã tăng 74% kể từ năm 2007, ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến thất nghiệp hàng loạt. Cùng với đó là các chi phí của Chính phủ Mỹ cũng tăng gấp đôi, ở mức 68 tỷ USD năm 2010 - bằng hơn 1/3 số tiền Chính phủ Mỹ thu được từ thuế thu nhập doanh nghiệp năm đó. Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đang tìm biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia. Và sự kiện Đạo luật nông nghiệp hướng về người nghèo đã thổi bùng các tranh cãi liên quan đến việc cắt giảm trợ cấp dành cho các gia đình thuộc diện này. Trong khi các thành viên bảo thủ của đảng Cộng hòa cho rằng đạo luật không cắt giảm đủ mạnh các khoản trợ cấp dành cho chương trình tem phiếu thì các thành viên đảng Dân chủ lại cho rằng việc cắt giảm quá sâu sẽ ảnh hưởng tới 850.000 gia đình nghèo ở Mỹ.
Thực tế, nhiều người Mỹ có rất ít sự lựa chọn khi vừa phải lo lương thực, thực phẩm vừa phải trả tiền thuê nhà và các hóa đơn thiết yếu như điện, nước, điện thoại… là những thứ không thể thiếu trong sinh hoạt. Bill Simon, nhà hoạt động xã hội Mỹ thuộc Wal-Mart cho biết, người đi chợ phụ thuộc vào hỗ trợ thực phẩm của Chính phủ đang ngày một tăng. Khoảng 40% số người nhận phiếu trợ cấp lương thực, thực phẩm sống trong hộ gia đình có ít nhất một thành viên có thu nhập. Họ chỉ có thể sử dụng phiếu trợ cấp để mua thực phẩm (không phải là đồ ăn nhanh), và mua cây, giống để gieo trồng. Tại một số khu vực ở Mỹ, người đi chợ dùng tem thực phẩm khá phổ biến. Với hàng triệu người Mỹ, khi trợ cấp thất nghiệp không còn thì đương nhiên họ chỉ tồn tại bằng tem phiếu thực phẩm và các hỗ trợ xã hội khác từ Chính phủ như hỗ trợ chăm sóc sức khỏe Medicaid - một chương trình "bảo hiểm" sức khỏe mới cũng do Chính phủ Mỹ tài trợ.
Như vậy, có việc làm tại Mỹ chưa hẳn đã đủ để một người tự nuôi sống và đáp ứng được các nhu cầu của bản thân trong tình hình kinh tế hiện nay. Thế nên, chế độ tem phiếu đã và đang được những người lao động nghèo Mỹ trông đợi. Một điều chắc chắn rằng, việc sử dụng tem phiếu lương thực, thực phẩm tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, ngay cả khi tình trạng thất nghiệp đã được cải thiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.