Chưa đầy 18 tháng sau khi được trình lên Nghị viện châu Âu, gói Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực vào những ngày cuối tháng 8 này.
DSA là một đạo luật mang tính bước ngoặt để quản lý hoạt động trực tuyến của những công ty công nghệ, nhằm tạo ra một môi trường internet an toàn và minh bạch hơn cho người dùng ở EU.
Internet là một không gian rộng lớn và phức tạp, nơi hàng tỷ người dùng tương tác với nhau và với nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau mỗi ngày. Tính an toàn, hợp pháp, được tôn trọng của những tương tác này đến nay vẫn là câu hỏi cho các nhà quản lý. Trong bối cảnh đó, DSA ra đời với hàng loạt quy định nhằm hạn chế quyền lực của những "gã khổng lồ internet". Bản thân các nền tảng trực tuyến sẽ phải bảo đảm tuân thủ quy tắc do EU đặt ra nếu không muốn phải chịu các hình phạt tài chính nặng nề, thậm chí bị loại khỏi thị trường châu Âu.
Danh sách của EU dựa trên số liệu do các nền tảng cung cấp. Những nền tảng có 45 triệu người dùng trở lên, tương đương 10% dân số EU - phải đối mặt với mức quy định cao nhất của DSA. Cụ thể, EU đã thu hẹp 19 nền tảng kỹ thuật số “rất lớn” sẽ phải tuân theo DSA. Danh sách này bao gồm các trang mạng xã hội Meta, X, Instagram và TikTok; công cụ tìm kiếm Google và bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia, cũng như các thị trường trực tuyến AliExpress, Amazon và Zalando của Alibaba. Ứng dụng di động lưu trữ Google Play và Apple AppStore, nền tảng điều hướng kỹ thuật số Google Maps cũng nằm trong danh sách.
Tuy nhiên, có thể các nền tảng khác sẽ tiếp tục được bổ sung vào danh sách này. Và thực tế, tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người châu Âu đều sẽ phải tuân thủ DSA. Dẫu vậy, họ phải đối mặt với ít nghĩa vụ hơn so với các nền tảng "rất lớn" và có khoảng thời gian đệm là 6 tháng trước khi buộc phải tuân thủ.
Đạo luật DSA yêu cầu các công ty phải tiến hành quản lý rủi ro, để bên thứ ba độc lập tiến hành kiểm tra cũng như chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chức năng và nhà nghiên cứu. Theo DSA, các dịch vụ truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm lớn phải gỡ bỏ nội dung vi phạm quy định của đạo luật hoặc bị chính phủ các quốc gia châu Âu coi là bất hợp pháp. Bên cạnh đó, các công ty cũng cần cung cấp cho người dùng các công cụ để khiếu nại khi nền tảng đưa ra những quyết định không hợp lý.
Nếu không tuân thủ quy định trong đạo luật DSA, các công ty công nghệ lớn sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hằng năm trên toàn cầu. Thậm chí, nếu hành vi trên tiếp tục tái diễn nhiều lần, dịch vụ đó có thể bị cấm tại châu Âu.
Ngay sau khi DSA có hiệu lực, một số nền tảng đã bắt đầu triển khai những cách mới để người dùng EU có thể báo cáo các nội dung vi phạm và sản phẩm có vấn đề. Ông Nick Clegg, Chủ tịch của Meta - chủ sở hữu Facebook và Instagram, đã công bố các biện pháp minh bạch và những tùy chọn bổ sung cho người dùng nhằm thực thi các nghĩa vụ mới của công ty theo quy định trong DSA. Trong khi đó, hai nữ Phó Chủ tịch Google là bà Laurie Richardson và bà Jennifer Flannery O'Connor thông báo tập đoàn công nghệ này đã tăng tiêu chí minh bạch đối với các quảng cáo, cũng như mở rộng việc tiếp cận dữ liệu cho các nhà nghiên cứu.
Về phần mình, Booking.com thông báo trang web du lịch trực tuyến này hiện có một trang riêng thống kê số lượng người dùng hằng tháng đạt 45 triệu người hay không, đồng thời tạo lập một kho lưu trữ thông tin về các quảng cáo hiển thị trên trang web này. Trong khi đó, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cho biết hiện có 134 triệu người dùng TikTok hoạt động mỗi tháng.
Theo các nhà phân tích, việc hầu hết các nền tảng chính sẵn sàng hợp tác là một dấu hiệu đáng khích lệ. DSA đã được EU thực hiện trong liên minh, nhưng tác động của văn kiện này có thể vượt xa giới hạn của cựu lục địa. Tổ chức phi lợi nhuận Wikimedia, nơi lưu trữ bộ bách khoa toàn thư do cộng đồng cung cấp, cho biết những thay đổi đó không chỉ giới hạn ở châu Âu và “sẽ được triển khai trên toàn cầu”. Còn theo nền tảng Snapchat, quy trình báo cáo và kháng nghị mới nhằm gắn cờ nội dung bất hợp pháp hoặc các tài khoản vi phạm quy tắc của họ sẽ được triển khai đầu tiên ở EU và sau đó trên toàn cầu trong những tháng tới.
Việc thực thi đạo luật DSA với các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn được coi là bước đi quyết liệt của EU trong quản lý các công ty công nghệ. Điều này được kỳ vọng sẽ thiết lập lại trách nhiệm của các “gã khổng lồ” công nghệ trong thời đại mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.