(HNM) - Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), những cơ hội mới đang rộng mở đối với nền kinh tế. Dù EVFTA vừa được ký kết song đây đã là thời điểm "chạy nước rút" của doanh nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn hàng xuất khẩu, bảo đảm phù hợp với thị trường châu Âu.
Sau khi EVFTA có hiệu lực (thời gian sớm nhất có thể là vào đầu năm 2020), những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông - thủy sản, đồ gỗ... sẽ có nhiều ưu đãi về thuế. Đây là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị các bước cần thiết, nhằm đạt các điều kiện để được xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu khó tính, nhưng đầy tiềm năng.
Ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA) nhận định: “Châu Âu đang nhập khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản từ Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước chỉ cần tuân thủ những tiêu chuẩn nhập khẩu của châu Âu là có thể dễ dàng có được tấm vé thông hành”.
Tuy nhiên, đối với ngành hàng nông sản, vấn đề mới mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu sang châu Âu là khối này đã triển khai chính sách cấm phụ kiện bao gói, bảo quản... làm từ nhựa dùng một lần. Ngoài ra, EU còn đưa ra tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm giải pháp thay thế phụ liệu nhựa; tìm nhà cung cấp màng bọc PE sinh học để bọc trái cây và kiểm soát tốt thời điểm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với rau, củ, quả xuất khẩu.
Xuất khẩu sang châu Âu từ năm 2013, những năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên hàng của Công ty TNHH Toàn cầu trái cây tươi (Bến Tre) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Doanh nghiệp đã mất tới 700 triệu đồng vì không thể xuất khẩu những lô hàng đó. Ông Phùng Văn Hiền, Giám đốc công ty chia sẻ: “Thị trường châu Âu ngày càng khó tính. Doanh nghiệp muốn duy trì và phát triển thị trường này phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, an toàn để sản phẩm đạt tiêu chuẩn”.
Với các sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu sang châu Âu, mặt hàng này đang phải chịu thuế 18%. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế được giảm xuống 0% theo lộ trình. Đây là lợi thế rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam rất thận trọng trước cơ hội kèm theo nhiều thách thức này. Với kinh nghiệm hơn 15 năm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) khuyến cáo: “Doanh nghiệp không nên đẩy hàng qua châu Âu ồ ạt, mà cần bảo đảm các tiêu chí chất lượng, bảo vệ môi trường, các vấn đề liên quan người lao động...”
Thách thức lớn nhất khi EVFTA triển khai có lẽ thuộc về ngành da giày, may mặc. Muốn xuất khẩu được thành phẩm vào EU, doanh nghiệp may mặc, da giày Việt Nam (đang nhập khẩu 90% nguyên phụ liệu) phải thu hẹp đầu mối nhập vật tư theo đúng quy định. Nói về giải pháp tháo gỡ nút thắt của việc nhập nguyên liệu của doanh nghiệp Việt Nam, bà Magdalena Krakowiak - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam gợi mở: “Doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu sản phẩm từ các nước mà khối liên minh châu Âu có ký cùng thỏa thuận tự do thương mại như: Hàn Quốc, Singapore...”.
Để doanh nghiệp đón bắt được cơ hội khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cung cấp thông tin, tổ chức các hội thảo chuyên đề phân tích tác động của chính sách từ EVFTA đến doanh nghiệp”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.