Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu "tuyên chiến" với nạn lừa đảo trực tuyến

Nguyễn Linh| 21/03/2017 06:38

(HNM) - Sự hiện diện dày đặc của các mô hình mạng xã hội, kết hợp với những thủ đoạn tinh vi từ phía kẻ xấu đang đặt người dùng trên toàn cầu trước hàng loạt cạm bẫy.

Khi mạng xã hội đã trở thành một phần của cuộc sống thì người dùng cũng đối mặt với những rủi ro, lừa đảo.


Theo thống kê do Hãng bảo mật McAfee đưa ra, người dùng internet hiện nay đang phải đối mặt với những vụ lừa đảo trên mạng xã hội nhiều hơn bất kỳ nền tảng trực tuyến nào khác, vượt xa cả thư điện tử. Mỗi năm, các nạn nhân của lừa đảo bị thiệt hại tới 1,2 tỷ USD. Thậm chí, có tới 40% người dùng mạng xã hội cho biết đã từng gửi thông báo tới công ty chủ quản về liên kết gây hại hoặc mang tính chất bịp bợm mà họ gặp phải. Trong khi đó, do đặc thù chia sẻ thông tin cá nhân là hành vi phổ biến trên mạng xã hội, mỗi người dùng luôn phải đối mặt với việc bị lộ toàn bộ dữ liệu này. Thậm chí, việc để lộ cả những thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, mật khẩu thư điện tử... chỉ với một cú nhấn chuột nhầm chỗ vào các liên kết độc là rất dễ xảy ra. Chính những rủi ro như vậy đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo trực tuyến dễ dàng hành động hơn, tạo ra những “cái bẫy” đáng tin nhờ việc tận dụng thông tin mà người dùng để lộ làm "mồi nhử". Nói cách khác, những rủi ro ngày càng trở nên đáng ngại và khó phòng tránh.

Vì vậy, trong nỗ lực bảo vệ người dùng trực tuyến, mới đây Ủy ban Châu Âu (EC) đã yêu cầu các công ty Facebook, Twitter và Google+ phải áp dụng biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang mạng xã hội do họ quản lý. Trong đó, EC nhấn mạnh tới một số vấn đề chính. Trước hết, các trang mạng cần làm rõ điều khoản dịch vụ để bảo vệ người dùng hiệu quả hơn. Thứ đến, các điều khoản này không được phép giới hạn hoặc loại bỏ trách nhiệm của bên chủ quản mạng xã hội về chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, các mạng xã hội cũng không được đơn phương thay đổi điều khoản và điều kiện mà không thông báo rõ ràng cho người dùng về lý do và những thỏa thuận này phải tuân thủ theo các quy định cụ thể từ phía cơ quan chức năng.

Cũng theo Cao ủy EC về tư pháp, người tiêu dùng và bình đẳng giới, bà Vera Jourova, trong bối cảnh mạng xã hội đã trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của con người, các công ty kinh doanh dịch vụ này phải nâng cao trách nhiệm trong việc giúp người dùng tránh được các vụ lừa đảo trực tuyến. Cũng theo đại diện EC, tổ chức này đã làm việc với cả 3 công ty nói trên và đặt ra thời hạn một tháng để đưa ra đề xuất về giải pháp chấp hành với những yêu cầu đề ra, hoặc phải đối mặt với động thái pháp lý. Về phần mình, Liên minh Châu Âu mới đây cũng yêu cầu những mạng xã hội nói trên phải phát triển một công cụ có thể giúp nhận diện các bài viết lừa đảo có thể gây hoang mang cho người dùng, đồng thời phải xóa những nội dung này ngay khi nhận được phản hồi. Trong đó bao gồm cả các thông tin sai sự thật khiến người dùng phải trả tiền, “bẫy” đăng ký dưới dạng người dùng được phép thử miễn phí nhưng không được cung cấp thông tin đầy đủ và rõ ràng, quảng cáo sản phẩm giả mạo, hàng nhái, khuyến mãi mang tính chất lừa đảo (ví dụ như "nhận ngay điện thoại thông minh chỉ với 1 euro")…

Trong một sự việc khác, cách đây chỉ vài ngày, Chính phủ Anh cũng thông báo gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện một số đoạn quảng cáo xuất hiện bên cạnh nội dung mang tính thù hận, kích động cực đoan. Ngay sau đó, đại diện Google, chủ sở hữu của YouTube, đã bị triệu tập để giải trình với Văn phòng Nội các Anh về vụ việc. Chính phủ Anh tuyên bố muốn có sự bảo đảm từ Google rằng các thông điệp Chính phủ được hiển thị “theo cách phù hợp và an toàn” trong tương lai. Có thể thấy, những nỗ lực chống lừa đảo và giữ an toàn thông tin trên mạng internet vẫn là cuộc chiến chưa có hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu "tuyên chiến" với nạn lừa đảo trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.