Vẫn thủ đoạn lừa cũ đã được các cơ quan chức năng và phương tiện truyền thông cảnh báo, nhưng có không ít người dân vẫn bị “sập bẫy” lừa đảo trực tuyến, mất tiền thậm chí lên tới cả tỷ đồng. Vì vậy, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân cần được làm thường xuyên, liên tục…
Gia tăng lừa đảo
Trong thông báo mới nhất về tình hình an toàn thông tin mạng từ ngày 26-2 đến 3-3-2024, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, kẻ xấu vẫn sử dụng các thủ đoạn cũ, như: Mạo danh cơ quan công an, mời gọi làm cộng tác viên online, đầu tư tài chính online... để lừa đảo qua mạng, nhưng có không ít cá nhân vẫn “sập bẫy”, mất tiền.
Điển hình là cuối tháng 2 vừa qua, một phụ nữ sống tại quận Tây Hồ đã bị lừa mất 1,4 tỷ đồng bởi nhóm đối tượng sử dụng chiêu thức gọi điện mạo danh cán bộ công an. Đối tượng lừa đảo còn mặc trang phục công an khi gọi video với nạn nhân. Trước đó, trong tháng 1-2024, một phụ nữ cũng trú tại quận Tây Hồ, nhận cuộc điện thoại giả mạo công an và làm theo hướng dẫn, chuyển vào tài khoản của đối tượng xấu hơn 4,5 tỷ đồng.
Lừa đảo “việc nhẹ lương cao” cũng đang bùng phát trở lại. Chị N.T.T (quận Hoàng Mai) chia sẻ, được một người mời làm việc qua mạng, chỉ cần gắn link sản phẩm (mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo…) lên tài khoản Facebook, Zalo để nhận tiền hoa hồng (trung bình 10.000-500.000 đồng/ sản phẩm). Tuy nhiên, các đối tượng yêu cầu chị T nộp một khoản phí là 399.000 đồng. Để tạo niềm tin cho chị T, chúng giả mạo thành viên trong hội nhóm gửi các hóa đơn nhận tiền từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng. Sau 3 đơn hàng đầu được nhận tiền thật, đến đơn thứ 4 giá trị đơn hàng cao, chúng yêu cầu “con mồi” gửi tiền đối ứng cọc giá trị, rồi sau đó chặn tài khoản nạn nhân...
Theo số liệu của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội), trong tháng 1-2024 đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 người bị lừa cài đặt dịch vụ công giả mạo và bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng và người ít nhất là 252 triệu đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với Cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó giả danh là công an phường, quận thông báo về tình trạng giấy tờ cá nhân chưa cập nhật thông tin rồi dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo, từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại để thực hiện các lệnh chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.
Người dân có thể cập nhật thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (https://khonggian mang.vn); gửi phản ánh về trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (https://canhbao.khonggianmang.vn).
Không cung cấp thông tin cá nhân
Trong năm 2023, qua 15.900 phản ánh của người dân được Cục An toàn thông tin tiếp nhận có tới 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, với đặc điểm chung là dẫn dụ người chơi bằng lợi nhuận cao. Theo đánh giá của Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), các nhóm lừa đảo thường lợi dụng các công cụ liên lạc OTT, như mạng xã hội để lập group có số lượng người đông mà không chịu kiểm soát của cơ quan quản lý. Cùng với đó, tội phạm mạng kết hợp với công nghệ Deepfake (giả mạo hình ảnh và âm thanh) để lừa đảo.
Trước tình trạng gia tăng lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn thông tin liên tiếp khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân (như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, số thẻ, mã thẻ, mã OTP)… cho bất cứ ai; không làm theo các yêu cầu qua điện thoại; không truy cập vào các đường link nhận được qua tin nhắn; cảnh giác với các yêu cầu cài đặt phần mềm.
Ngoài ra, người dân nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, Face ID (nhận diện khuôn mặt)... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán. Khi nhận được các cuộc gọi và tin nhắn lạ, chủ động liên hệ lại với cơ quan chức năng để xác minh. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an. Người dân cũng cần ghi nhớ nguyên tắc, để làm việc với người dân, công an sẽ gửi giấy mời, hoặc thông qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
“Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Do vậy, ngoài việc xử lý về công nghệ, việc quan trọng không kém là thúc đẩy tuyên truyền về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến càng nhiều người càng tốt”, Phó Cục trưởng tập sự Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng nhấn mạnh.
Các chuyên gia bảo mật cho rằng, để phòng ngừa lừa đảo trực tuyến, việc nâng cao nhận thức của người sử dụng vẫn là quan trọng nhất. Trong đó, các khuyến cáo cần được làm thường xuyên để mọi người có đầy đủ thông tin và cẩn trọng hơn. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần đưa ra các giải pháp bảo mật, hỗ trợ người sử dụng phòng tránh rủi ro lừa đảo trực tuyến.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa:
Chú trọng nâng cao nhận thức và kỹ năng
Việc tuyên truyền nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin để bảo vệ người dân là rất quan trọng. Theo đánh giá, hơn 80% sự cố mất an toàn thông tin là do người sử dụng không có nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ. Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, đơn vị và báo chí tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người dân chưa tiếp cận được các thông tin về nguy cơ, rủi ro khi tham gia không gian mạng, vẫn bị lừa đảo, mất đi số tiền lớn.
Vì vậy, trong năm 2024, ngoài việc tiếp tục tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương sử dụng tối đa các hệ thống thông tin cơ sở, các tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền nhận thức, kỹ năng cho người dân, nhất là người vùng nông thôn, vùng xa để tránh bị lừa đảo trên không gian mạng.
Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) Vũ Ngọc Sơn:
Cảnh giác nội dung nhận được
Lừa đảo qua công nghệ Deepfake đang được phổ biến. Công nghệ này cho phép tạo ra các clip giả mạo một người thông qua lồng ghép khuôn mặt của người đó vào một clip mẫu có sẵn. Do khối lượng tính toán lớn nên máy tính phải có cấu hình cao, vì vậy nếu các đối tượng lừa đảo chỉ sử dụng các máy tính, điện thoại thông thường để tạo clip sẽ cho ra sản phẩm chưa hoàn thiện. Clip kiểu này sẽ thường có dung lượng nhỏ, thời gian ngắn, chất lượng âm thanh, hình ảnh kém... Vì vậy, nếu để ý kỹ có thể phát hiện ra được. Còn nếu các đối tượng lừa đảo sử dụng các máy tính cấu hình cao, có phần cứng chuyên dụng thì sẽ tạo ra được những clip rất giống thật và khó nhận biết.
Vì vậy, người dùng cần thực hiện thêm các lưu ý sau để phòng, chống lừa đảo: Không vội tin ngay các nội dung, hình ảnh, clip nhận được; cần xác minh lại qua kênh độc lập; không chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân chưa giao dịch lần nào; thường xuyên cập nhật các thông tin để nâng cao khả năng nhận biết, phát hiện các dấu hiệu lừa đảo.
Chị Hoàng Thu Hương, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng:
Chịu khó cập nhật thông tin về lừa đảo trực tuyến
Tôi thường nhận nhiều cuộc gọi chào mời thông báo trúng thưởng, đầu tư chứng khoán quốc tế, sau khi nghe xong, tôi đều gửi báo cáo cuộc gọi làm phiền theo hướng dẫn của nhà mạng, đồng thời chặn luôn số. Với các tin nhắn trên mạng xã hội, tôi cũng chọn cách báo cáo tài khoản và chặn luôn. Bất cứ hình thức làm quen nào qua Zalo, Facebook mà không do hai phía chủ động trao đổi cách liên lạc, không biết nhau thì không nên đồng ý. Điều này làm giảm nguy cơ các đối tượng lợi dụng để lừa đảo.
Đặc biệt, chúng ta cần chủ động cập nhật các hình thức lừa đảo qua trang web chống lừa đảo; đọc và tìm hiểu về tình hình lừa đảo trực tuyến qua các kênh báo chí chính thống… để biết cách phòng, chống. Việc báo cáo tình huống, hành vi lừa đảo tới các nhà cung cấp dịch vụ là rất cần thiết để cơ quan chức năng tập hợp, nhận biết để từ đó có biện pháp xử lý.
Thanh Hà ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.