(HNMO) - Sau 3 ngày liên tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, sáng nay (6-11), Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Điểm mới là cách thức tiến hành chất vấn và trả lời sẽ không theo nhóm chuyên đề, mà đại biểu tiến hành chất vấn tất cả vấn đề quan tâm.
DIỄN BIẾN CHÍNH PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ MƯỜI QUỐC HỘI KHÓA XIV
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu mở đầu.
- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Xem tại đây
- Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Xem tại đây
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Xem tại đây
- Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
- Chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan.
Cuối phiên chất vấn sáng nay, hàng loạt đại biểu đã đăng ký chất vấn. Các câu hỏi này sẽ tiếp tục được trả lời trong phiên làm việc chiều nay.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bắt đầu từ 14h. Theo điều hành của Chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngoài các vị bộ trưởng, trưởng ngành, các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam sẽ “đăng đàn” trả lời một số chất vấn của đại biểu nêu trong buổi sáng.
Câu hỏi của đại biểu phản ánh nguyện vọng của hàng triệu giáo viên
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khi trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về giải pháp giảm tải cho giáo viên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ rất ý thức vấn đề này và rất quan tâm đến giảm tải cho đội ngũ giáo viên bằng các quy định và chỉ đạo thiết thực như giảm số hồ sơ sổ sách; đổi mới phương thức thi giáo viên chủ nhiệm giỏi theo hướng thiết thực, đơn giản hơn; rà soát để tinh giảm chương trình hiện nay theo hướng gọn nhẹ hơn và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sổ sách, xây dựng bài giảng điện tử, tập huấn trực tiếp để giảm thời gian cho các thầy, cô...
Ngoài ra, Bộ cũng đang tính toán xây dựng định mức lao động cho các thầy, cô phù hợp.
Mức lương của người nghỉ hưu trước năm 1993 gây day dứt trong làm chính sách
Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An) về giải pháp điều chỉnh chế độ tiền lương đang có nhiều bất cập cho người nghỉ hưu trước năm 1993 để bảo đảm ổn định cuộc sống, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, mức lương của 592.000 người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp, gây day dứt trong làm chính sách về lương. Đa số trong nhóm này trước đây hưởng lương rất thấp, trong đó, 40-60% người nghỉ hưu sớm, trước tuổi, còn 1/3 là công tác trong lực lượng vũ trang.
Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức cao hơn bình quân. Tuy nhiên, mức lương hưu đối với người về hưu trước năm 1993 vẫn rất thấp, thấp nhất hiện nay là 3 triệu đồng, cao nhất là 8 triệu đồng.
Theo Bộ trưởng, vấn đề chỉ có thể được giải quyết căn bản khi thực hiện điều chỉnh chính sách cải cách tiền lương theo nguyên tắc tính toán điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với người đang làm việc và điều chỉnh thỏa đáng với nhóm có mức lương hưu thấp, nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về lương của người nghỉ hưu cùng chức vụ, cùng vị trí việc làm và cân đối giữa các thời kỳ.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) tranh luận, mong muốn Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có giải trình làm rõ hơn về nội dung này.
Đẩy mạnh phát triển mạng xã hội theo hướng chia sẻ doanh thu với người dùng
Trả lời chất vấn của đại biểu về phát triển mạng xã hội Lotus, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 2 năm gần đây, mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển bứt phá, từ 47 triệu tài khoản (chiếm 50% so với các mạng lớn của nước ngoài là Facebook và Youtube) thì đến nay đã đạt con số 96 triệu tài khoản và từng bước đạt thế cân bằng so với mạng xã hội nước ngoài. Riêng mạng xã hội Lotus đã có 3 triệu tài khoản.
Thời gian qua, có nhiều mạng xã hội mới trong nước ra đời. Bộ đã cấp phép cho 800 mạng xã hội Việt Nam, chủ yếu phát triển ở thị trường ngách. Các mạng xã hội này đều được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển mạng xã hội theo hướng chiếm lĩnh thị trường ngách, chia sẻ doanh thu với người dùng; có công cụ chọn lọc ngay từ đầu, bảo đảm nền tảng sạch; cho phép phát triển nền tảng con trên nền tảng mẹ để phát triển các cộng đồng nhỏ mang tính văn hóa riêng biệt.
"Việt Nam là một trong số không nhiều các nước trên thế giới có các mạng xã hội nội địa phát triển tương đương với mạng xã hội nước ngoài", Bộ trưởng khẳng định.
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về kết quả thực hiện quy hoạch và quản lý báo chí đến năm 2025, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến nay, đã quy hoạch xong báo chí của các hội. Có 13/29 bộ, ngành phải thực hiện quy hoạch và đã triển khai; còn 2 bộ, ngành đang hoàn thiện hồ sơ, chờ cấp phép. Có 31/63 địa phương triển khai quy hoạch; còn 1 địa phương đã hoàn thiện hồ sơ, chờ cấp phép. Bộ trưởng khẳng định quyết tâm của Bộ thực hiện đúng lộ trình, hoàn thiện 100% quy hoạch trong năm nay.
Đã đón khoảng 200.000 chuyên gia và người Việt Nam ở những nước có dịch về
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp căn cơ phòng, chống dịch Covid-19 lây nhiễm vào Việt Nam trong thời gian tới và tiến độ nghiên cứu vắc xin Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, về cơ bản, "bên ngoài sóng to gió lớn, chúng ta bên trong vùng trũng phải bao chặt".
Chúng ta đã đón khoảng 200.000 người là chuyên gia và người Việt Nam ở những nước có dịch về. Để phòng dịch lây nhiễm vào Việt Nam, chúng ta phải kiểm soát chặt, căn cơ hơn nữa là chung sống an toàn với giải pháp "5K". Tất cả các cơ sở y tế, trường học, nhà máy, công xưởng, cơ sở lưu trú phải thực hiện đầy đủ hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng dịch.
"Chúng ta đã có bản đồ số chung sống an toàn với Covid-19 để các cơ sở tự chấm điểm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu là mức xanh thì tiếp tục các hoạt động như bình thường. Chúng ta đã chuẩn bị tinh thần ứng phó với dự báo dịch kéo dài ít nhất đến hết năm 2021", Phó Thủ tướng cho biết.
Về phát triển vắc xin, bình thường, thời gian phải mất 5-10 năm. Hiện nay, thế giới đang cấp tập nghiên cứu sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 và đã có trên 150 ứng viên vắc xin, đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng. Trong đó, trên 32 vắc xin đã bắt đầu được thử nghiệm trên người, gồm 10 vắc xin được thử nghiệm tới vòng 3. Việt Nam cũng có hai đơn vị có bước tiến trong nghiên cứu vắc xin, dự kiến cuối năm nay bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người, nếu thuận lợi, cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới sản xuất được. Trong khi đó, việc mua vắc xin trên thế giới không hề dễ dàng và thời điểm này cũng chưa chắc chắn. Vì vậy, giải pháp căn cơ là đẩy mạnh phòng dịch. Các ngành và các địa phương không thể chủ quan.
Tuổi thọ của luật từ 5-10 năm là chấp nhận được!
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về một số văn bản có tuổi thọ không cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu, theo số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội ban hành 75 luật, nghị quyết của Quốc hội. Đây là cố gắng lớn, được dư luận, các cơ quan đánh giá có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tuổi thọ trung bình một đạo luật là trên 10 năm. Cứ 5 năm, chúng ta sửa đổi, bổ sung một số điều và 10 năm sửa đổi, bổ sung tổng thể. Thời gian vừa qua, một số luật có tuổi thọ dưới 5 năm, sau đó đã được sửa đổi là để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đất nước đang phát triển và nhiều nhu cầu đột xuất phát sinh, tình trạng này là chấp nhận được.
"Tuy nhiên, hệ thống pháp luật ổn định, ít phải sửa và nền nếp trong quá trình thực thi là mong muốn của tất cả chúng ta', Bộ trưởng nói.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều quy định khắt khe hơn với các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng và thẩm định của các chủ thể liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành; tiếp tục có cơ chế xin ý kiến rộng rãi của công luận, các chuyên gia, nhà khoa học, kết hợp kiểm tra văn bản sau ban hành. Bộ Tư pháp cũng mong muốn Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có giám sát và công luận chỉ ra điểm còn yếu trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời khắc phục, điều chỉnh.
Tiếp tục có cơ chế, chính sách để người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích về hiện tượng chất lượng rừng ở nhiều nơi trên cả nước rất thấp so với nhiều nước có chung đường biên giới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận thông tin đại biểu đưa ra là chính xác, do nguyên nhân khách quan là diện tích tài nguyên đất tự nhiên, đất rừng của các nước như Lào, Campuchia, nếu chia bình quân theo đầu người, thì tỷ lệ của Việt Nam sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng hiện nay tại các địa phương còn hạn chế, nguồn lực và nhân lực bảo vệ rừng mỏng... dẫn đến diện tích rừng bị suy giảm. Thêm vào đó, diện tích rừng của Việt Nam phục hồi từ năm 1990 đến nay, chủ yếu là rừng non, chưa đảm bảo chất lượng...
Giải pháp để tăng độ che phủ rừng là cần tiếp tục có cơ chế, chính sách để người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; ở các khu vực trọng yếu như Lâm Đồng, Tây Bắc, ven biển..., ngoài các dự án chung, cần có chương trình riêng để phát triển rừng. Cùng với đó là tập trung giải quyết tình trạng di dân tự do của người dân; tăng cường biện pháp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, áp dụng chế tài mạnh trong xử lý về các vụ vi phạm rừng...
Sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam chất lượng tốt, giá rẻ
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) về việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định, chúng ta làm 5G không chậm khi từ năm 2019 đã thử nghiệm kỹ thuật và dự kiến đến năm 2021 sẽ triển khai diện rộng.
Việc triển khai 5G được tiến hành theo từng giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 được tiến hành tại các thành phố lớn, trung tâm đông người, khu nghiên cứu, trường đại học, phục vụ cho nghiên cứu khoa học.
Nước ta triển khai 5G với tinh thần dùng chung cơ sở hạ tầng, chung thiết bị của 4G và sẽ tắt sóng 2G, 3G để giảm chi phí cho nhà mạng. Tin vui là chúng ta sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam, chắc chắn chất lượng tốt, giá rẻ, tiết kiệm chi phí cho nhà mạng.
Tiếp tục xã hội hóa việc xây dựng sách giáo khoa
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đã chi trả bao nhiêu tiền để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn bộ sách giáo khoa, tài liệu và tập huấn?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ đã phê duyệt dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới tổng thể là 80 triệu USD, trong đó gồm 77 triệu USD vay ODA, 3 triệu USD vốn đối ứng. Trong cấu phần này, như thiết kế ban đầu, có 16,5 triệu USD dành cho biên soạn sách giáo khoa, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội không sử dụng đến khoản tiền này, mà huy động xã hội hoá. Do vậy, khoản 16,5 triệu USD này vẫn để trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới. Cộng với các chi phí tiết kiệm khác qua rà soát, Bộ đã trả lại tổng số tiền là 29,7 triệu USD.
Tới đây, Bộ tiếp tục thực hiện chủ trương về xã hội hóa trong xây dựng sách giáo khoa, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng sách giáo khoa, tiết kiệm chi ngân sách cho biên soạn sách giáo khoa, trừ trường hợp không có bộ sách nào của các nhà xuất bản thì lúc ấy Bộ sẽ phải làm theo đúng Nghị quyết 122/2020/QH14 của Quốc hội.
Mới giải quyết được 41,5% nhu cầu về nhà ở xã hội
Đăng đàn đầu tiên, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) về vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, theo tính toán đến năm 2020, chúng ta cần khoảng 12,5 triệu mét vuông cho nhà ở xã hội. Với sự cố gắng của các địa phương, đến nay, cả nước đã xây dựng được 5,2 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó có 2,8 triệu mét vuông cho nhà ở xã hội ở đô thị, 2,3 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp. Tuy đã có cố gắng, nhưng hiện mới giải quyết được 41,5% so với nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay.
Về giải pháp thời gian tới, cần thêm các giải pháp căn cơ như: Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch để tạo điều kiện phê duyêt, cấp phép các dự án; nhất là bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội; tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào để kết nối các dự án nhà ở xã hội và các dự án khác… Đặc biệt, tới đây, sẽ có sửa đổi căn bản Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân mua nhà ở xã hội.
"Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ để ra chính sách hỗ trợ nhà ở giá thấp, có diện tích nhỏ hơn 70 mét vuông, giá bán từ 15 triệu đồng/mét vuông", Bộ trưởng nói.
Đổi mới cách thức chất vấn và trả lời chất vấn
Theo sự điều hành của chủ tọa, mỗi lượt chất vấn sẽ có từ 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi; các câu hỏi chất vấn được nêu không quá 1 phút. Người trả lời chất vấn cũng không trình bày quá 3 phút cho mỗi nội dung chất vấn của đại biểu. Thời gian tranh luận của mỗi đại biểu là 2 phút; mỗi đại biểu tranh luận không quá 2 lần để dành quyền chất vấn cho đại biểu khác.
Cách thức tiến hành chất vấn và trả lời sẽ không theo nhóm chuyên đề, mà đại biểu sẽ tiến hành chất vấn tất cả vấn đề. Những nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách nào thì người đứng đầu cơ quan có liên quan sẽ chịu trách nhiệm trả lời trực tiếp theo điều hành của chủ tọa kỳ họp.
Riêng lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, do đã thay đổi nhiệm vụ mới, đang được Quốc hội tiến hành các thủ tục phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nên chất vấn của các đại biểu sẽ được trả lời bằng văn bản.
Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực sẽ trả lời làm rõ thêm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tập trung làm rõ vấn đề còn tồn tại, nhiệm vụ chưa hoàn thành
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu, đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo quy định của Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND. Lần thứ nhất là tại kỳ họp thứ sáu, kỳ họp giữa nhiệm kỳ.
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, ngay từ rất sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch để các cơ quan chức năng chủ động triển khai thực hiện. Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tích cực chuẩn bị và đã gửi đến các đại biểu 20 báo cáo về các lĩnh vực, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện từng nội dung đã được nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra, đánh giá cụ thể về các nội dung đã thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra về những nội dung này.
Về tổng thể, các báo cáo cho thấy nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết tâm rất cao của Chính phủ, của các bộ, ngành và từng thành viên Chính phủ cũng như các vị trưởng ngành trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu của Quốc hội. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn do thiên tai trong năm nay, nhưng những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, tạo niềm tin trong nhân dân và xã hội.
Phiên chất vấn này là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, với mục đích chính là đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, tập trung phân tích làm rõ vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề ra các yêu cầu, giải pháp tiếp tục thực hiện để xây dựng nghị quyết chuyển giao cho Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát, theo dõi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, với sự chủ động chuẩn bị từ rất sớm của các cơ quan, kinh nghiệm qua các phiên chất vấn trước đây, phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ sẽ diễn ra sôi nổi, chất lượng, hiệu quả, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Tổng thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 2,5 ngày
Theo chương trình, tổng thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là 2,5 ngày (ngày 6-11, ngày 9-11 và sáng 10-11).
Trước khi bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Đồng thời, Quốc hội cũng nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.