Trước kỳ họp thứ mười bảy HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, cử tri Thủ đô đã có 234 ý kiến, kiến nghị về các vấn đề quan tâm đến các cơ quan chức năng của thành phố. Trong đó, cử tri đề cập đến nhiều vấn đề dân sinh cấp bách liên quan đến lĩnh vực kinh tế, quản lý đất đai, giao thông, đô thị, giải quyết thủ tục hành chính…
Vấn đề quản lý đất đai luôn “nóng”
Vấn đề quản lý đất đai luôn là chủ đề “nóng” ở các hội nghị tiếp xúc cử tri thường kỳ trước, sau các kỳ họp, đặc biệt là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cử tri quận Hoàn Kiếm và huyện Sóc Sơn cho rằng, hiện nay, khi thực hiện thủ tục này người dân vẫn phải tự đi thuê công ty đo đạc làm hồ sơ kỹ thuật thửa đất. Đối với thửa đất liên quan đến chỉ giới đường đỏ (hành lang đường bộ), người dân phải tự đến Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội để xin xác nhận chỉ giới đường đỏ nên rất khó khăn, tốn kém. Cử tri đề nghị, thành phố giảm bớt thủ tục hành chính, tiếp tục tăng cường liên thông các thủ tục hành chính đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quan tâm chỉ đạo rà soát, lựa chọn mẫu (một số hộ gia đình) để hỗ trợ về thủ tục; tháo gỡ vướng mắc, giải quyết cho thân nhân liệt sĩ nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Liên quan đến lĩnh vực nhà đất, cử tri thị xã Sơn Tây nêu, hiện nay, giá nhà, đất trên địa bàn thành phố rất cao, phần lớn là các nhà đầu tư mua đầu cơ, còn người dân, công nhân lao động có nhu cầu thực tế thì không có khả năng mua; mong muốn UBND thành phố có giải pháp để ổn định thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng đầu cơ, bảo đảm giá nhà đất phù hợp với đối tượng người lao động có nhu cầu thực tế.
Theo cử tri huyện Đan Phượng, việc thu thuế đất phi nông nghiệp tại các xã giáp ranh quận đang ở mức cao hơn các xã khác trong cùng một huyện. Tuy nhiên, giá đất nông nghiệp khi thu hồi, giải phóng mặt bằng lại được UBND thành phố ban hành khung giá chung của huyện, không có giá giáp ranh quận. Như vậy, đang có sự mâu thuẫn giữa áp giá giáp ranh quận khi thu thuế đất phi nông nghiệp và giá bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp thực hiện các dự án (giá bồi thường thấp). Cử tri đề nghị, thành phố quan tâm xem xét điều chỉnh sự bất cập trên cho phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, cử tri quận Hai Bà Trưng và thị xã Sơn Tây bày tỏ vui mừng trước việc tăng lương từ ngày 1-7 tới, song cũng băn khoăn trước việc khó tránh tình trạng lạm phát, đề nghị thành phố có giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Cử tri quận Hà Đông và huyện Mê Linh còn đề nghị thành phố rà soát việc quản lý tài sản công, tài sản liên kết đầu tư tại các cơ sở giáo dục để tránh thất thoát, lãng phí.
Cử tri 2 huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức mong muốn, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai, hướng dẫn hỗ trợ xây dựng mô hình điểm phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm...
Ngoài ra, cử tri nhiều địa phương đề nghị, UBND thành phố xem xét có hướng tháo gỡ rút ngắn thời gian hoặc có chủ trương ủy quyền cho cấp huyện lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cho các dự án.
Nâng cao nhận thức về phân loại rác
Công tác bảo vệ môi trường được hầu hết cử tri quan tâm đề cập, kiến nghị các giải pháp để đô thị Thủ đô luôn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Trong đó, cử tri 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình đề nghị, thành phố xem xét có quy định về thời gian cắt tỉa cây xanh, bởi vừa qua có tình trạng đơn vị cắt tỉa cây xanh tùy tiện, không còn bóng mát; đồng thời cần quan tâm xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nêu rõ, từ ngày 1-1-2025, các cá nhân, hộ gia đình sẽ bị xử phạt đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Liên quan đến vấn đề này, cử tri quận Tây Hồ đề nghị, thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân nhận thức được tầm quan trọng và làm quen với việc phân loại rác thải hằng ngày; có các giải pháp hiệu quả để thực hiện nghiêm các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, cử tri thị xã Sơn Tây mong muốn thành phố có phương án cụ thể, đồng bộ về việc xử lý rác thải sinh hoạt, sớm triển khai phân loại rác tại nguồn; có chính sách quan tâm thỏa đáng đến sức khỏe và đời sống của người dân sinh sống ở gần khu vực bãi rác...
Nêu về tình trạng cháy nổ vẫn diễn ra và gây hậu quả nghiêm trọng, trong khi đó, trên địa bàn thành phố có nhiều ngõ, ngách đường nhỏ hẹp xe chữa cháy không vào được, cử tri quận Thanh Xuân, huyện Đông Anh đề nghị, thành phố cho lắp đặt họng nước chữa cháy tại các điểm xe chữa cháy không thể tiếp cận. Đặc biệt, thành phố cần tiếp tục quan tâm thực hiện việc hỗ trợ đối với các hạng mục của nhà chung cư phục vụ tái định cư (bao gồm bảo trì thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét, mặt ngoài của nhà chung cư).
Liên quan đến vấn đề này, cử tri thị xã Sơn Tây, quận Tây Hồ đề nghị, UBND thành phố và sở, ban, ngành liên quan có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt đối với loại hình nhà trọ và nhà ở kết hợp kinh doanh trong ngõ nhỏ...
Những vấn đề cử tri quan tâm và kiến nghị đến cấp có thẩm quyền nêu trên là chính đáng, xuất phát từ thực tiễn; nhiều nội dung sẽ được bàn thảo, xem xét trong chương trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2024; đồng thời chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, trả lời, giải quyết. Vì vậy, mong rằng, cử tri Thủ đô tiếp tục dõi theo, cùng với các đại biểu HĐND thành phố giám sát quá trình giải quyết các ý kiến kiến nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.