Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng không khí đã có cải thiện

Nguyễn Mai| 31/05/2018 06:16

(HNM) - Chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội đã được cải thiện, nhiều điểm quan trắc ghi nhận chỉ số chất lượng không khí tốt.

Việc trồng mới nhiều cây xanh sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí. Ảnh: Nhật Nam


Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chất lượng không khí 4 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến rõ rệt. Nhiều điểm quan trắc ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt vào những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai.

Từ các số liệu ghi nhận được ở 10 trạm quan trắc không khí của thành phố, nồng độ bụi PM10 và PM2.5 đã giảm từ 1,5 đến 2 lần so với giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12-2017... Chỉ số AQI (chỉ số báo cáo chất lượng không khí hằng ngày) giảm mạnh trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 16-2 đến 21-2-2018), nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2018.

Nguyên nhân chỉ số AQI giảm rõ rệt là do thời điểm cuối tháng 4 hoạt động của gió mùa Đông Bắc không còn mạnh; hoạt động giao thông giảm đáng kể trong các đợt nghỉ lễ so với ngày thường.

Tuy nhiên, chất lượng không khí ở Hà Nội chưa đồng đều tại các khu vực. Tại một số điểm quan trắc gần các trục đường giao thông, chỉ số nồng độ bụi vẫn có giai đoạn vượt quá tiêu chuẩn (theo QCVN 05:2013/BTNMT), chỉ số AQI của các điểm này thường xuyên ở mức trung bình và kém; đặc biệt là trạm Minh Khai (tại tuyến đường quốc lộ 32) và trạm Phạm Văn Đồng (tuyến đường Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long), do có lượng xe lưu thông rất lớn...

Mới đây, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo xanh (GreenID) công bố báo cáo chất lượng không khí quý I-2018 trên địa bàn thành phố luôn ở nhóm kém đã khiến nhiều người lo lắng. Về việc này, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho rằng, GreenID sử dụng số liệu từ trạm quan trắc không khí tại Đại sứ quán Mỹ, đặt tại trục giao thông có mật độ lớn (gần ngã tư Láng Hạ - Đê La Thành), vì vậy, số liệu không thể đại diện cho toàn TP Hà Nội.

Mặt khác, cách tính AQI của Hà Nội áp dụng theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Quy chuẩn QCVN 05:2013/ BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Trong khi cách tính AQI của trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội áp dụng theo tiêu chuẩn môi trường của Chính phủ Mỹ.

Trạm quan trắc chất lượng không khí mới được xây dựng tại quận Cầu Giấy.


Giải thích rõ hơn, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tại Việt Nam, các thông số thường được sử dụng để tính AQI được quy định trong QCVN 05:2013/BTNMT, bao gồm: SO2, CO, NOx, O3, PM10, TSP. Chỉ số chất lượng không khí được tính theo ngày và theo giờ.

Sau khi tính toán chỉ số chất lượng không khí, cơ quan chuyên môn sử dụng bảng xác định giá trị AQI tương ứng với mức cảnh báo cụ thể là: Tốt (không ảnh hưởng đến sức khỏe); trung bình; kém; xấu và nguy hại.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, số liệu quan trắc rất quan trọng. Từ dữ liệu "đầu vào" này, cơ quan chức năng có thể dự báo, cảnh báo cho người dân phòng tránh. Theo ông Lê Tuấn Định, TP Hà Nội chính thức đưa vào vận hành 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến quan trắc môi trường không khí từ năm 2016. Các trạm có chức năng quan trắc chất lượng không khí; công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí... Tuy nhiên, số trạm quan trắc như vậy vẫn còn khá ít, chưa đại diện cho các khu vực.

Vì vậy, mục tiêu của Hà Nội trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư thêm 70 trạm quan trắc không khí (trong đó có 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định) nhằm đánh giá chất lượng không khí một cách toàn diện, chính xác hơn, làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thành phố các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, như: Giảm lượng xe máy lưu thông trên đường; giảm dần và xóa bỏ các bếp than tổ ong; hạn chế, tiến tới không đốt rơm rạ; trồng cây xanh, tiết kiệm điện năng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng không khí đã có cải thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.