Môi trường

Hà Nội: Số ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức kém, xấu chiếm hơn 30%

Minh Phú 11/04/2024 15:25

Ngày 11-4, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội thảo “Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội - Hợp tác và Hành động” kêu gọi sự hợp tác cải thiện chất lượng không khí...

Các đại biểu thảo luận chung tay hợp tác cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Mai)

Giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng thi công không bảo đảm vệ sinh môi trường...

435810456_445055458081614_4643212742412683833_n.jpg
Đốt rác thải là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Hoàng Sơn

Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn đang là vấn đề cấp bách của thành phố. Các kết quả quan trắc gần đây cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trong đó, giao thông - vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50-70%), tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp (14-23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, có nhiều nguyên nhân tác động đến chất lượng không khí của thành phố. Theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội đã lên tới gần 9 triệu người, trong đó, dân số đô thị chiếm trên 40%. Thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy, hơn 600.000 ô tô...

Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu cùng tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát; tình hình biến đổi khí hậu, việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường; nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân... đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển đô thị văn minh.

Đồng hành với thành phố

Với mong muốn mạnh mẽ cải thiện chất lượng không khí, ngày 2-3 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 1142 ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Kế hoạch là tới năm 2030, Hà Nội sẽ thành công giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5.

436333679_421567900468052_8387553247628757829_n.jpg
Người dân xã Minh Quang (huyện Ba Vì) trồng hoa, cây xanh, góp phần nâng cao chất lượng không khí. Ảnh: Nguyễn Mai

Để đạt mục tiêu này, Kế hoạch đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển, tăng cường kiểm soát khí thải và khuyến khích sản xuất sạch, bền vững. Hà Nội cũng sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp giảm phát thải từ các nguồn thải chính bao gồm giao thông, xây dựng, công nghiệp và các nguồn khác.

Kế hoạch cũng đề cập giải pháp kiểm soát khí thải từ giao thông, di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi nội thành, tăng cường tưới nước rửa đường và quản lý các hoạt động đốt rơm rạ…

Ứng phó khẩn cấp với ô nhiễm không khí, Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp bao gồm cung cấp thông tin, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm ô nhiễm không khí cho người dân ứng phó kịp thời; tăng cường sự tham gia của các bên trong quản lý chất lượng không khí thông qua giáo dục - truyền thông, hợp tác với chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng, các bên liên quan. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 là nỗ lực lớn nhằm cải thiện môi trường.

Tuy vậy, ô nhiễm không khí là vấn đề xuyên biên giới. Thành phố mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan như: Chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế... Hà Nội cam kết thực hiện mạnh mẽ các biện pháp trong Kế hoạch quản lý chất lượng không khí với mong muốn xây dựng thành phố xanh, sạch, lành mạnh...

Tại hội thảo, ông Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan trắc và mô hình hoá môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, đây là văn bản pháp lý quan trọng, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ và sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư, các đối tác quốc tế, đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí tại Thủ đô...

Bà Nguyễn Hương Huế (Ban Giao thông bền vững, Cơ quan phát triển Pháp (AFD)) cho biết, đơn vị đang đồng hành với thành phố trong triển khai các dự án làm sạch không khí. Đơn vị mong muốn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm phát thải ra môi trường.

Theo ông Đỗ Quang Huy, đại diện Hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, nhận thức rõ trách nhiệm, Hội không ngừng nghiên cứu, sản xuất phương tiện sử dụng nhiệt liệu sạch như xe điện hoặc dùng nhiên liệu sinh học. Hội khuyến khích khách hàng bảo dưỡng định kỳ, đồng thời triển khai dự án nghiên cứu kiểm tra xe máy cũ, đưa ra giải pháp kiểm soát khí thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Số ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức kém, xấu chiếm hơn 30%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.