Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chàng Sơn giàu nhưng vẫn khổ

Bạch Thanh| 01/05/2011 07:59

(HNM) - Khoảng 10 năm trở lại đây, xã Chàng Sơn đã bứt phá trở thành địa phương có tốc độ phát triển CN-TTCN lớn của huyện Thạch Thất. Dân quanh vùng nói, Chàng Sơn giàu có nhất, nhì huyện Thạch Thất, hàng ra hàng vào sôi động quanh năm. Thế nhưng có tới 80% cư dân ở đây đang lo lắng ngày đêm vì thiếu mặt bằng sản xuất và thiếu cả nước sinh hoạt.

Đến làng nghề mộc Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) hết thảy đều cảm nhận không khí ngột ngạt nơi đây. Tre, gỗ tập kết ngổn ngang hai bên đường, trước cổng trường tiểu học, trạm y tế xã… Nhiều hộ còn kéo máy ra bên đường để sản xuất. Ông Phí Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết: Toàn xã có 2.563 hộ, gần 9.000 khẩu sinh sống ở 7 thôn, có tới hơn 90% làm nghề chế biến gỗ, mang lại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề bức xúc nhất hiện nay của làng nghề là thiếu mặt bằng sản xuất. Từ năm 2002 đến nay, Cụm công nghiệp làng nghề (CCNLN) Chàng Sơn mới quy hoạch được 10,7ha cho khoảng 300 hộ dân. Hiện số hộ có mặt bằng sản xuất chỉ mới đạt trên 10%, còn lại khoảng 80% vẫn phải loay hoay trong không gian chật hẹp, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi gỗ, phun sơn hóa chất… ngày càng bức xúc.

Ngoài sản xuất hàng mộc, Chàng Sơn còn có nghề làm quạt nổi tiếng. Ảnh: Bá Hoạt


Ông Nguyễn Khương Được, chủ cơ sở sản xuất bàn ghế, sập gụ, tủ chè Khương Được, thôn 2, xã Chàng Sơn than thở, nhà ông có hai cơ sở sản xuất nhưng cũng chỉ có 200m². Phía trong là căn nhà mái bằng khang trang, những viên gạch như nhuộm màu vàng của bụi gỗ. Cả ngày, tiếng rít xoe xóe của các loại máy vang động. Ông Được thừa nhận, làm gỗ tự nhiên thì độ ô nhiễm không quá lớn nhưng làm gỗ ván ép thì khủng khiếp lắm. Không những người trực tiếp làm bị bệnh mà những người xung quanh cũng ảnh hưởng. Thủa trước, dân làng nghề dùng bào, đục, cưa, chỉ thấy tiếng lách cách vui tai. Bây giờ máy móc vừa ầm ĩ, vừa phát tán bụi ra cả vùng. Đấy là chưa kể đến nguồn nước ngầm ô nhiễm vì các thùng ngâm gỗ, chất tẩy tẩm gỗ sử dụng tràn lan. Chạy theo nhu cầu của thị trường, dân làng nghề có khá hơn về đời sống nhưng sức khỏe và tuổi thọ bị ảnh hưởng rõ rệt. Ở những xưởng mộc lớn, các phòng sơn được quây bạt kín. Trong phòng có một hai chiếc quạt thông gió quay vù vù mà vẫn không xua hết được mùi sơn nồng nặc. Thợ sơn vào lò chỉ trong 2 tiếng nhận được thù lao đến 300 nghìn đồng. Công cao như thế nhưng vẫn hiếm người làm. Phần lớn chủ xưởng phải đi thuê thợ sơn ở nơi khác. Và do nghề sơn tàn phá sức khỏe nên thợ chỉ bám nghề không quá 10 năm.

Nước quý hơn vàng
Ở xã Chàng Sơn, cứ vào buổi chiều, cảnh mua nước diễn ra nhộn nhịp. Xe cải tiến nối nhau mang những thùng nước về nhà để lo bữa tối. Hơn 10 năm nay, người dân xã Chàng Sơn vẫn thường dùng xe đi kéo nước. Những tháng mùa khô, tìm mua nước càng khó khăn hơn. Tại thôn 1, có hai hộ may mắn khoan giếng có nước, lập tức trở thành địa chỉ mua nước của hàng trăm hộ dân trong thôn. Chị Nguyễn Thị Sinh (một trong hai hộ có giếng nước) cho biết: "Tôi bơm nước cả ngày lẫn đêm mới có đủ nước đáp ứng nhu cầu của bà con, thu được khoảng trên dưới 100 nghìn đồng/ngày".

Bà Chu Thị Tuệ - Trưởng thôn 2 cho biết: Nước sinh hoạt ở đây rất hiếm, hiện có 60-70% số hộ trong thôn phải đi mua nước. Phần lớn các hộ thuê ô tô, xe công nông chở nước từ các xã Bình Yên, Cần Kiệm về dùng, với giá 200-220 nghìn đồng/xe (4 khối nước). Tình trạng thiếu nước ngày càng trở nên trầm trọng do nước ngầm khan hiếm. Có hộ khoan giếng sâu tới 30-35m, mất hàng triệu đồng mà không thấy nước đâu. Nhiều gia đình may mắn khoan trúng mạch, lượng nước cũng rất ít, không đủ dùng. Ở Chàng Sơn, hầu hết các gia đình đều phải sắm can nhựa hoặc phi đựng nước. Mỗi xe nước 2 thùng giá từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng. Hộ đông nhân khẩu, mỗi tháng mất hơn 1 triệu đồng mua nước. Nước hiếm nên nhà nào cũng hết sức tiết kiệm, nước rửa rau để lại rửa chân, nước tắm để giặt quần áo, nước giặt quần áo giữ lại dội nhà vệ sinh… Các trường học trên địa bàn xã cũng thiếu nước trầm trọng nhất là các trường mầm non. Các cô phải cố gắng và rất vất vả nhưng khó tránh khỏi mất vệ sinh. Hằng năm, từ tháng 10 đến tháng 4 có tới 80% số hộ trong xã phải đi mua nước, mấy năm trở lại đây khí hậu khắc nghiệt, thời gian hiếm nước kéo dài hơn, từ tháng 9, tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau. Xã đã xây dựng dự án nước sạch trình thành phố Hà Nội phê duyệt, nhưng phải chờ đợi.

Cái sự giàu của cải ở Chàng Sơn thì không ai có thể phủ nhận được nhưng môi trường sống nơi đây thì đang nghèo đi vì tứ bề ô nhiễm: ô nhiễm từ nguồn nước đến không khí, không gian sống! Với bao thứ thiếu thốn đe dọa trực tiếp sức khỏe và sinh hoạt, người Chàng Sơn kêu mình khổ cũng chẳng oan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chàng Sơn giàu nhưng vẫn khổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.