Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặng đường chông gai của quốc đảo Sương mù

Quỳnh Dương| 22/11/2018 07:16

(HNM) - Trong khi tiến trình rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đang bước vào giai đoạn quyết định, nền kinh tế Anh lại đón nhận những tín hiệu không mấy tích cực từ việc đồng nội tệ rớt giá. Đây là thách thức đầu tiên của chặng đường dài chông gai đối với xứ sở Sương mù một khi bước chân ra khỏi “ngôi nhà chung EU”.

Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với nhiều sức ép từ kế hoạch Brexit.


Trong phiên giao dịch ngày 21-11, mặc dù tỷ giá giữa đồng bảng Anh so với USD đã được cải thiện so với 2 ngày cuối tuần, song vẫn chỉ loanh quanh ở ngưỡng 1,28 USD/bảng, thấp hơn gần 2% so với các phiên giao dịch đầu tuần trước. Theo các nhà phân tích, việc một số quan chức chủ chốt của Chính phủ Anh, trong đó có Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Bộ trưởng Việc làm và hưu trí McVey cùng Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti, xin từ chức nhằm gây áp lực đối với Thủ tướng Theresa May về kế hoạch Brexit, là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm của đồng bảng.

Nhiều nghị sĩ của Anh cho rằng, bản kế hoạch Brexit của Thủ tướng T.May không tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016. Văn kiện này bao gồm ý tưởng thiết lập một "lưới an ninh" nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland. Như vậy, toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland ở giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại giữa hai bên được hoàn tất.

Với những điều khoản này, Anh không chỉ ở lại trong liên minh thuế quan mà trên thực tế cũng sẽ ở lại thị trường chung châu Âu. Đây là điều những chính khách ủng hộ phương án “Brexit cứng” không đồng tình và cho rằng, thỏa thuận như vậy sẽ biến nước Anh trở thành một "chư hầu" của EU vì họ vẫn nằm trong "ngôi nhà chung" về mặt kinh tế, song không còn được tham gia quá trình ra quyết định của khối.

Tuy nhiên, với kế hoạch “Brexit mềm”, Thủ tướng T.May đã đạt được sự đồng thuận của các thành viên khác trong EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng sẽ có một cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào ngày 25-11 để các bên ký thỏa thuận về các điều khoản cho việc Anh rời khỏi EU cũng như để thảo luận về các mối quan hệ giữa các bên trong tương lai.

Sau khi ký kết với EU, bản thỏa thuận cần phải được Quốc hội Anh thông qua. Đây là cửa ải đầy thách thức đối với Thủ tướng T.May. Trong bối cảnh hiện nay, nhà lãnh đạo Anh chắc chắn sẽ gặp khó khăn tại Quốc hội, nơi dòng người phản đối xếp hàng dài để bác bỏ kế hoạch do bà lập ra.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu kế hoạch Brexit không được thông qua, hàng loạt vấn đề xã hội của Anh sẽ bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp thương mại Anh phải đối mặt với nhiều trở ngại trong một số thủ tục thông quan, người dân khi đi du lịch châu Âu phải trả chi phí giao dịch qua thẻ tín dụng nhiều hơn, doanh nghiệp dược phẩm phải tích trữ nguyên vật liệu ít nhất 6 tuần đề phòng nguồn cung ứng bị gián đoạn. Chủ các trang trại của Anh không được xuất khẩu thực phẩm hữu cơ sang EU trong vòng 9 tháng... Đáng chú ý, tốc độ kinh tế của Anh sẽ giảm tới 8% trong vòng 15 năm tới.

Cùng với đó, sự ra đi của 2 bộ trưởng cùng với các quan chức cấp cao khác đã làm cho bộ máy chính phủ của Thủ tướng T.May rơi vào khủng hoảng. Nhà phân tích Chris Beauchamp nhận định, những nguy cơ tiềm tàng từ thỏa thuận Anh - EU dường như đang bắt đầu biến Brexit trở thành "một kế hoạch thất bại" đối với quốc đảo Sương mù.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặng đường chông gai của quốc đảo Sương mù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.