Vùng quê nghèo xã An Tiến (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bình yên bên dãy núi đá xanh uốn lượn. Nơi ấy, ai cũng biết đến câu chuyện của hai cậu học trò nghèo giúp nhau trong học tập và trong cuộc sống hằng ngày. Cốt truyện chỉ là những điều tưởng chừng vụn vặt, nhỏ bé, nhưng lại đẹp lấp lánh giữa đời thường...
Niềm vui giản dị
Giữa trưa nắng cuối tháng 5, Trường THCS An Tiến vắng hoe, học sinh khối lớp 9 đang trong giai đoạn học những buổi ôn cuối cùng trước kỳ thi vào lớp 10. Sân trường chỉ có tiếng ve và xào xạc gió. Ngóng mãi, người viết mới hỏi được một em học sinh đi ngang qua trường về nhà của em Nguyễn Hữu Huy và Đặng Minh Quân, học sinh lớp 9B Trường THCS An Tiến. “Hầu như cả trường đều biết hai bạn vì ngày nào Quân cũng chở Huy đi học” - cô bé nhanh nhảu đáp rồi chỉ đường tôi đến nhà Huy...
Ngôi nhà của Huy nằm ngay trục đường liên thôn, một ngôi nhà đã quá xuống cấp, cỏ mọc "lụt" cửa vào. Đón tôi là bà nội của Huy, bà Nguyễn Thị Sức, sinh năm 1962. Ngồi bên cửa là ông Nguyễn Văn Tịnh (sinh năm 1960), ông nội của Huy cũng đang mệt nhọc với từng cơn thở của mình.
Tôi lạ lẫm, ngạc nhiên và cả xót xa khi thấy Huy. Tiếng là chàng trai 16 tuổi, đang tuổi ăn, tuổi lớn, nhưng Huy chỉ nặng 22kg, cao 1,25m. Em nhỏ thó, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế nhựa, đôi mắt đượm buồn.
Tuy sức khỏe yếu, nhưng gia đình và thầy cô vẫn động viên Huy đến trường học để hòa đồng với bạn và quên đi nỗi buồn bệnh tật. Kể về trường, lớp, ánh mắt Huy chợt sáng lên, giọng trong trẻo: "Ngày nào khỏe, em lại đến trường học cùng các bạn. Buổi học nào Quân cũng đến tận nhà đón, đưa em đến trường; tan trường, Quân lại đèo em về nhà bằng xe đạp. Ngày nào bọn em cũng sang nhà nhau chơi".
“Ròng rã suốt 4 năm trời, không ngày nào Quân không đến đón cháu Huy đi học. Nhìn cách chúng giúp đỡ nhau, tôi thật an lòng” - bà nội Huy chia sẻ.
“Thế Quân quý Huy ở điểm gì mà hai bạn thân nhau thế?" - tôi hỏi. “Không, có quý gì đâu, chúng cháu vẫn chơi với nhau như thế từ ngày học lớp 6 đến giờ. Quân học tốt hơn cháu, bài nào không hiểu, cháu lại hỏi Quân” - Huy nhoẻn cười giải thích.
Rõ là trong trẻo. Rõ là ngây thơ. Tình thân giữa hai người bạn là ngày nào cũng song hành cùng nhau, đi đâu, làm gì cũng có nhau, bất kể nắng hay mưa...
Bà Phạm Thị Hiệp (72 tuổi, thôn Hòa Lạc, xã An Tiến) thủ thỉ kể: “Cả cái vùng này ai mà chả biết hai đứa. Cháu Huy có hoàn cảnh đặc biệt, hết sức khó khăn bởi bố mẹ cháu đã ly dị, cháu phải ở với ông bà nội vì bố thường xuyên đi làm ăn xa nhà... Cứ thế, hai đứa trẻ thân nhau, đều đặn đón đưa nhau đi học từ năm này qua năm khác. Nhìn chúng đèo nhau đi học, tôi cũng thấy vui vui trong lòng”.
Tưởng rằng, câu chuyện của trẻ con thì nào ai để ý, ấy vậy mà, điều đó cũng trở thành niềm vui trong cuộc sống của không ít người dân nơi đây!
Theo chân Huy, tôi được em dẫn đến nhà Đặng Minh Quân ở thôn Phú Duy. Một ngôi nhà xây tường đá, trong nhà không có đồ đạc gì đáng giá. Quân gầy nhẻm và bé hơn so với độ tuổi. Tôi hỏi, sao ngày nào cũng đến đón Huy đi học, Quân cười hiền, chỉ bảo: "Bạn cùng lớp thì cùng đến trường. Không lý do gì cả, bạn cần thì cháu đón bạn thôi!...".
Chị Phạm Thị Vân, mẹ của Quân bộc bạch, chị biết hai đứa chơi với nhau, quý nhau như anh em một nhà. Thấy chúng đưa nhau đi học, chị Vân không bao giờ căn vặn hay sợ con vất vả, ngược lại, động viên con giúp bạn nhiều hơn.
Lan tỏa điều ý nghĩa
Vừa xâu hạt gỗ làm ghế massage kiếm thêm thu nhập, bà nội Huy vừa kể, khi sinh ra, Huy bụ bẫm, đáng yêu như bao đứa trẻ khác. Năm lên 4 tuổi, Huy sốt, mẹ cho em ra Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Ròng rã hơn một tháng trời, bệnh viện không phát hiện ra bệnh, khi đỡ sốt, bác sĩ cho về nhà. Nhưng chỉ sau đó 2 tháng, Huy sốt trở lại. Lần này ra khám, bác sĩ khẳng định Huy bị suy tủy... Từ đó, cuộc sống của Huy gắn liền với việc truyền máu. Bình quân, mỗi năm Huy phải truyền máu khoảng 15-16 lần. Bệnh tật làm Huy quắt cả người, không lớn được, trong khi gan, lá lách ngày càng bị to... Sức khỏe yếu, Huy chỉ làm bạn với sách vở và những việc nhà giản đơn.
Trước kia, mỗi lần đi viện truyền máu, bố Huy phải về tận quê đón, nhưng gần đây, Huy đã tự lập hơn bằng cách tự đi xe buýt, ra đến quận Hà Đông thì bố Huy đón đến viện. Những đồng tiền công khó nhọc kiếm tìm, bố Huy đều dồn cả cho con...
Cô Lê Thị Kim Thư, Hiệu trưởng Trường THCS An Tiến tâm sự, cả trường đều biết hoàn cảnh của Huy nên đã có những ưu tiên nhất định với em. Việc Quân đến đưa đón Huy đi học là tự nguyện và xuất phát từ tình bạn chân thành, không toan tính thiệt hơn. Trong nhiều buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường biểu dương hai em và lấy đó làm tấm gương để nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
“Tôi cảm nhận, từ tình bạn của hai em, nhiều học sinh trong trường đã có sự cảm thông, hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ bạn hơn. Đó là điều lan tỏa ấm áp, ý nghĩa trong ngôi nhà THCS An Tiến của chúng tôi”, cô Thư nói.
Rời An Tiến khi trời đã chạng vạng tối, hình ảnh hai cậu học trò nghèo cứ lấp lánh trong tôi suốt dọc đường về. Câu chuyện dường như không có truyện, nhưng là luồng sáng trong trẻo vẽ lên những gam màu vui, ý nghĩa trong cuộc sống còn nhiều gian khó nơi vùng quê xa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.