Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức những lần Bác Hồ về thăm và căn dặn nhân dân huyện Mỹ Đức vẫn luôn in đậm trong tâm trí các thế hệ người dân địa phương. Những lời Bác dạy năm xưa đã trở thành kim chỉ nam để Đảng bộ và nhân dân nơi đây vững bước xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, hiện đại và văn minh.
Huyện Mỹ Đức là vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Đây từng là an toàn khu trong những năm kháng chiến, nơi hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ cấp cao của Đảng như các đồng chí: Đỗ Mười, Văn Tiến Dũng... Vào cuối thập niên 1950, đầu những năm 1960, Mỹ Đức nổi bật trong phong trào làm thủy lợi, xây dựng hợp tác xã và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như Đại Phong, Cờ Ba nhất...
Nhận được tin về phong trào chống hạn và làm thủy lợi, ngày 7-2-1956, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi cán bộ, nhân dân huyện Mỹ Đức. Bức thư của Bác có đoạn: “Trong thời kỳ chiến tranh, Mỹ Đức là vành đai trắng, bị địch bắn phá nhiều, nhân dân rất nghèo khổ. Ngày nay tình hình hạn hán ở đó cũng nặng hơn. Nhưng cán bộ và đồng bào đã cố gắng, bộ đội và thanh niên đã thi đua góp sức đào giếng, khơi ngòi, tát nước (có nơi phải tát 7-8 bậc). Cho nên cả huyện đã có đủ nước tưới cho hơn 9.000 mẫu chiêm và màu...”. Thư của Bác là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Mỹ Đức. Hơn 20.000 mẫu lúa chiêm xuân được cấy đúng thời vụ, được làm cỏ, bón phân, đáp ứng mong ước của Bác Hồ là “... để vụ chiêm này thu được tốt”.
Không chỉ quan tâm về sản xuất nông nghiệp, trong lần về thăm danh thắng chùa Hương (ngày 19-5-1958), Bác căn dặn nhà chùa và nhân dân địa phương cần trồng nhiều cây xanh, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn giá trị văn hóa để ngày càng nhiều khách trong và ngoài nước tới thăm nơi đây.
Lần thứ hai Bác về thăm Mỹ Đức là vào ngày 7-10-1961 tại thôn Văn Giang, xã Đại Nghĩa. Trước hơn 7.000 cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa, Bác phổ biến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa III), nhấn mạnh vai trò chiến lược của nông nghiệp, nông thôn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bác căn dặn: "Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển củng cố hợp tác xã...".
Lời dạy của Bác đã tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều hợp tác xã lớn ra đời, kênh mương được đào đắp; đập tràn Quan Sơn, Tuy Lai được xây dựng… Mỹ Đức trở thành địa phương điển hình của tỉnh Hà Tây (trước đây) trong sản xuất nông nghiệp. Nhà máy ươm tơ Mỹ Đức được xây dựng từ năm 1966 trở thành niềm tự hào của người dân địa phương.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai, thực hiện lời dạy của Bác, Mỹ Đức đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2024, toàn huyện có 10/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; thu nhập bình quân đạt 69,5 triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Cơ sở hạ tầng của huyện ngày càng đồng bộ: 100% các tuyến đường xã, liên xã, trục thôn đã được kiên cố hóa, hơn 57.700 hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn. Hệ thống trường học được ưu tiên đầu tư, đến nay đã có 64/79 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% xã có trạm y tế chuẩn quốc gia với bác sĩ trực tiếp khám, chữa bệnh.
Đặc biệt phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở Mỹ Đức đã lan tỏa sâu rộng khắp các thôn, xóm. Giai đoạn 2021-2024, nhân dân Mỹ Đức đã hiến hơn 78.600m² đất, đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động để làm các công trình phúc lợi như đường, nhà văn hóa, trường học... Đến thời điểm này, toàn huyện có 122/126 thôn có nhà văn hóa, 117 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa và hơn 53.500 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa - văn nghệ diễn ra thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân.
Về môi trường, các xã, thị trấn tích cực xây dựng mô hình làng, phố xanh - sạch - đẹp, “ngày chủ nhật xanh”, trồng cây ven đường, tạo cảnh quan sinh thái... Bên cạnh đó, huyện Mỹ Đức cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế nông thôn. Trên địa bàn hiện có 57 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 23 sản phẩm 4 sao. Huyện đã tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại và liên kết du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, nổi bật như rượu mơ Hương Tích, nấm kim châm Kinoko, khăn lụa tơ sen, cao cà gai leo…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Mỹ Đức đẩy mạnh các mô hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mô hình cấy lúa bằng máy, thâm canh lúa cải tiến SRI được áp dụng trên hàng nghìn héc ta. Huyện cũng phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả, rau an toàn, dược liệu, chăn nuôi và thủy sản an toàn...
Những con số biết nói ấy không chỉ minh chứng cho sự đổi thay của vùng quê Mỹ Đức mà còn cho thấy lời căn dặn của Bác năm xưa, xây dựng nông thôn giàu đẹp, đang từng bước được hiện thực hóa.
Từ những lời dạy giản dị mà sâu sắc của Bác Hồ, đến sự bền bỉ vượt khó của bao thế hệ cán bộ và nhân dân, Mỹ Đức hôm nay đang viết tiếp những trang sử mới - xây dựng quê hương hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ gìn hồn cốt truyền thống. Đó chính là hành trình cụ thể hóa tình cảm thiêng liêng với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.