(HNM) - Nguồn nước bị ô nhiễm đang trở thành thách thức đối với ngành Nông nghiệp Hà Nội. Để phát triển nền nông nghiệp sạch, việc bảo vệ chất lượng nguồn nước đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết của TP Hà Nội.
Thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hải ở xã Tân Minh (huyện Thường Tín) luôn phải thường trực ở ngoài đồng để tranh thủ dẫn nước vào ao, chuẩn bị nuôi lứa cá mới. Theo ông Nguyễn Văn Hải, chỉ những ngày công ty thủy lợi lấy nước sông Hồng tiếp vào sông Nhuệ phục vụ gieo cấy vụ xuân thì nguồn nước mới bảo đảm để nuôi cá. Ngoài dịp này, các hộ nuôi cá trong xã chỉ còn cách chờ… mưa. Bởi nguồn nước sông Nhuệ hiện nay ô nhiễm, không thể dùng để nuôi trồng thủy sản.
Tương tự ông Nguyễn Văn Hải, nhiều hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ven lưu vực sông Nhuệ cũng chung cảnh ngộ. Ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết: Nhiều năm nay, do lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp nên cống Liên Mạc không thể vận hành thường xuyên để tiếp nguồn cho hệ thống sông Nhuệ. Ngoài cạn kiệt, sông Nhuệ còn phải tiếp nhận nguồn xả thải dân sinh của các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín…
Theo kết quả giám sát chất lượng nước tại 23 vị trí trong hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ, phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp của Phòng Thí nghiệm và Tư vấn quản lý chất lượng nước, môi trường (Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam) trong tháng 1-2019 có 3 vị trí đủ điều kiện dùng cho tưới, tiêu thủy lợi; 20 vị trí còn lại đều không đủ điều kiện dùng cho tưới, tiêu và bảo tồn động vật, thực vật thủy sinh; tháng 2-2019 có 6 vị trí đủ điều kiện, 17 vị trí không đủ điều kiện. Ông Trịnh Xuân Hoàng, Trưởng phòng Thí nghiệm và Tư vấn quản lý chất lượng nước, môi trường cho biết: Chất lượng nước sông Nhuệ và nhiều dòng sông khác của TP Hà Nội hiện nay bị ô nhiễm chủ yếu là chất hữu cơ. Cụ thể, chỉ số DO (ôxy hòa tan trong nước) thấp; hàm lượng NH4+ và hàm lượng vi khuẩn Coliform đều vượt quá giới hạn cho phép. Những thông số này cho thấy, chất lượng nước các sông của Hà Nội, đặc biệt là sông Nhuệ không đủ điều kiện cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...
Về nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng sông, Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 979 điểm xả nước thải dân sinh không qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi. Cụ thể, trong hệ thống của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh có 40 điểm; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy có 69 điểm; Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích có 190 điểm… Mặc dù đã xác định các điểm xả thải nhưng cơ quan chức năng cũng khó xử lý vì đối tượng vi phạm là cả khu dân cư.
Để bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như: Vận hành thường xuyên 8 nhà máy xử lý nước thải hiện có, với tổng công suất 304.800m3/ ngày, đêm. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Phú Đô, Vân Canh, Thanh Thùy, Phùng Xá, với tổng công suất 474.500m3/ngày, đêm; xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc để tiếp nguồn nước sông Hồng cho sông Nhuệ…
Để nguồn nước các sông trên địa bàn thành phố bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương, ngoài các giải pháp thành phố đang triển khai, biện pháp phi công trình cũng rất quan trọng. Vì vậy, các quận, huyện, thị xã và cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến từng người dân, cơ sở sản xuất, làng nghề; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước sông…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.