(HNM) - Sở Công thương Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu.
Theo kết quả kiểm tra, 47/120 đơn vị được kiểm tra bị phát hiện có vi phạm, chiếm tỷ lệ hơn 39% tổng số đơn vị được kiểm tra. Trước thông tin này, có đơn vị, cá nhân nhận xét là "bình thường", cũng có nơi đánh giá là mức độ vi phạm như vậy là thấp so với thực tế. Cá biệt, có cả những ý kiến cho rằng, ấy là chuyện thường ngày, chẳng đáng bận tâm nhiều bởi "đã buôn là phải gian…".
Vậy sai phạm ở mức nào là vừa và tại sao? Dư luận có quyền tự đặt câu hỏi vì đơn giản đó là quyền của mỗi công dân; đặc biệt trong khi mỗi người dân đều có thể là một khách hàng tiêu thụ xăng dầu. Nói cách khác, họ là đối tác, là yếu tố quyết định sự sống còn của DN kinh doanh mặt hàng thiết yếu và rất nhạy cảm này.
Nếu lấy yêu cầu của một nền thương mại văn minh, tính minh bạch cao thì tỷ lệ vi phạm trên là quá lớn và không thể chấp nhận. Ở các nước phát triển, nếu phát hiện vi phạm thì chủ DN chỉ còn nước phá sản; thậm chí công chức quản lý phải gánh theo hệ lụy. Có lẽ bởi thế mà lâu lâu mới "bói" được một trường hợp vi phạm, nhưng cũng đủ cảnh tỉnh xã hội. Còn thực tế ở ta ngược lại vì nhà kinh doanh đã "quen" vi phạm, lại càng nhờn pháp luật hoặc dư luận.
Vi phạm thì nhiều loại và ở nhiều cấp độ nguy hại khác nhau; các đoàn kiểm tra thì vẫn kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, nhưng bao năm nay tình hình không thấy được cải thiện. Đây là câu chuyện ở Hà Nội và tất nhiên sẽ còn nhiều chuyện tương tự diễn ra tại các địa phương khác. Thiết nghĩ, phản ánh thực tiễn thì dễ, nhưng giải quyết vấn đề thế nào thì vẫn là câu chuyện rất dài và khó đoán được kết quả ra sao…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.