(HNM) - Cùng với chiêu trò tung tin sai sự thật để câu “like”, số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội và điện thoại đang có xu hướng gia tăng do sự chủ quan, thiếu hiểu biết, cả tin của người sử dụng. Do đó, người dân cần tăng cường cảnh giác để tránh bị rơi vào “bẫy” lừa đảo tinh vi của tội phạm.
Phòng PC50 (Công an TP Hà Nội) sử dụng các thiết bị công nghệ đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. |
Nhiều mánh khóe lừa đảo
Tháng 7-2017, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) đã bắt giữ đối tượng Trần Anh Tôn (sinh năm 1990, quê ở tỉnh Yên Bái) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tôn khai nhận, được các đối tượng ở nước ngoài thuê thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại, sau đó chuyển số tiền lừa đảo được ra nước ngoài và được trả công bằng 10% số tiền này. Ngày 22-6, Tôn cùng các đối tượng ở nước ngoài gọi điện cho chị Đ.T.Q.A. (44 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) tự xưng là “công an điều tra” nói rằng chị có liên quan đến một vụ án lớn và yêu cầu phải chuyển số tiền 1,2 tỷ đồng để “giám định tài sản”. Cùng mắc "bẫy" này, ngày 17-11, bà Đ.T.B. (75 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai) đã chuyển số tiền lên tới 600 triệu đồng cho một số kẻ giả danh là cán bộ của cơ quan công an.
Ngoài chiêu trò qua điện thoại, sự gia tăng số người sử dụng mạng xã hội đang là "mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng lừa đảo. Thủ đoạn của chúng là dùng tin nhắn từ những tài khoản có tên rất “kêu” như “Tập đoàn mạng xã hội Facebook”, “Quà tặng giờ vàng”, “Ban Quản trị Zalo”… (đây đều là những tài khoản thông thường của người dùng mạng xã hội bị tin tặc chiếm quyền quản trị) với nội dung thông báo các thông tin trúng thưởng 200 triệu đồng, xe SH, phiếu đổ xăng thời hạn 1 năm,… Tin nhắn cũng yêu cầu người trúng giải cập nhật thông tin cá nhân, sau đó tiếp tục đóng các khoản lệ phí lên tới hàng chục triệu đồng để có thể nhận quà. Ngoài ra, với hình thức chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội, các đối tượng xấu lợi dụng để gửi tin nhắn đến những người thân quen của tài khoản bị đánh cắp nhờ nạp thẻ điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản,… để chiếm đoạt.
Trung úy Nguyễn Xuân Cương, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, hình thức lừa đảo qua điện thoại và tin nhắn trúng thưởng các đồ vật giá trị qua mạng xã hội không phải là mới. Nhưng với hình thức lừa đảo tinh vi, đánh vào tâm lý lo sợ liên quan đến pháp luật và lòng tham của người dùng nên vẫn có không ít người sập bẫy. Từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận, xử lý 25 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân qua mạng internet và điện thoại với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan công an gặp phải nhiều khó khăn khi điều tra, truy tìm, xử lý các vụ việc này, chủ yếu là do các đối tượng lừa đảo thường sử dụng mã điện thoại, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài. Do đó, chỉ khoảng 10% nạn nhân trong số các vụ lừa đảo nêu trên là may mắn lấy lại được tài sản.
Nhận diện để phòng tránh
Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, những thủ đoạn lừa đảo thông qua mạng internet, điện thoại thường tập trung ở một số hình thức, như: Lừa đảo thông báo nợ cước điện thoại với số tiền lớn, yêu cầu phải thanh toán ngay; lừa thông báo về phạm pháp hình sự, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; lừa người thân bị tai nạn, cần người nhà tới gấp tại những địa điểm hẻo lánh, vắng người, các đối tượng sẽ mai phục sẵn ở đó để cướp tài sản.
Đối với lừa đảo qua mạng xã hội, internet, một số hình thức phổ biến như: Thông báo qua tin nhắn Facebook, Zalo về việc trúng thưởng xe máy, điện thoại, tiền mặt lên tới hàng trăm triệu đồng. Người trúng thưởng phải gửi một khoản tiền hoặc thẻ cào điện thoại mệnh giá cao để nhận được phần thưởng. Ngoài ra, một số đối tượng còn xưng danh là người đang định cư ở nước ngoài, lên mạng làm quen với những phụ nữ nhẹ dạ, hứa gửi tặng hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng. Sau đó, các đối tượng tiếp tục đóng giả nhân viên bưu điện gọi điện yêu cầu chuyển tiền phí để nhận hàng.
Thượng tá Ngô Minh An, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại,… người dân cần đề cao cảnh giác, nhận diện những thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng. Khi sử dụng các mạng xã hội, người dân cần bảo mật những thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại,… để tránh những thông tin này rơi vào tay kẻ xấu. Khi nhận được những tin nhắn, thư thoại có chứa đường link lạ, những website không rõ nguồn gốc tuyệt đối không được truy cập và bỏ qua những tin nhắn thông báo trúng thưởng. Với những tin nhắn, cuộc gọi nghi ngờ lừa đảo như, nhờ mua thẻ cào điện thoại, chuyển tiền, thông báo tai nạn,... người dân cần liên lạc trực tiếp với người có liên quan để xác thực thông tin.
Đối với cuộc gọi giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng. Các cơ quan này không tiến hành làm việc qua điện thoại, việc tạm giữ, thu giữ tài sản, hàng hóa phải được thực hiện lập biên bản trực tiếp theo quy định. Khi thấy các cuộc gọi điện thoại có biểu hiện nghi vấn, người dân cần trình báo ngay đến Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để tiến hành xác minh, làm rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.