Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tư duy phát triển mới

Nữ Quỳnh| 20/08/2018 06:24

(HNM) - Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện cả nước có hơn 6.400 hợp tác xã hoạt động yếu kém, không hiệu quả; hơn 700 hợp tác xã cần giải thể. Đây chính là một nguyên nhân khiến việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua thiếu sự bền vững.


Mục tiêu được Bộ NN&PTNT đặt ra, đến năm 2020 phải phát triển được 15.000 hợp tác xã kiểu mới đúng nghĩa. Trong 2 năm tới, cả nước sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của trên 5.400 hợp tác xã và thành lập mới 5.200 hợp tác xã. Gần 710 hợp tác xã yếu kém sẽ phải tập trung giải thể dứt điểm trong năm nay để “nhường đất” cho các hợp tác xã kiểu mới, đặc biệt là hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.

Đích đến là vậy, nhưng để đạt được những mục tiêu đặt ra không phải là điều dễ dàng, nhất là với đặc điểm ngành Nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, theo nông hộ. Về nguyên tắc, hợp tác xã hoạt động khác với doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận thì với hợp tác xã ngoài lợi nhuận còn kèm theo lợi ích mang tính cộng đồng và giữa các thành viên. Đặc điểm này đòi hỏi việc phát triển hợp tác xã phải có những cách nghĩ, cách làm phù hợp.

Thực tế hiện nay, cả nước vẫn còn hàng trăm hợp tác xã đã ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể. Nhiều đơn vị chuyển sang mô hình mới cũng gặp khó khăn, không bứt phá được do lấn cấn về nhân sự, nguồn vốn. Do đó, điều mà không ít người còn nghi ngại là làm sao để việc chuyển đổi, nâng tầm cho hợp tác xã phải mang tính thực chất và đặc biệt là "bình mới, rượu cũng phải mới". Ví như việc chuyển đổi cách gọi từ “chủ nhiệm” sang “giám đốc” hợp tác xã, song vẫn là con người ấy, vẫn bộ máy ấy, tư duy cách làm cũ thì không thể mơ mộng phát triển.

Do đó, muốn xây dựng hợp tác xã kiểu mới phải có tư duy mới về hợp tác xã.

Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố diễn ra sáng 18-8: “Vấn đề then chốt là chuyển nhận thức tự thân của người sản xuất muốn hình thành hợp tác xã. Người sản xuất phải có nhu cầu hợp tác một cách chính đáng, bức xúc”. Hiện nay, việc chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 được tiến hành đồng bộ trên toàn quốc.

Thế nhưng có nhiều hợp tác xã chưa đổi mới triệt để, thiếu chiến lược kinh doanh rõ ràng, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây chính là một nút thắt khiến cho hợp tác xã không phát triển được. Vì vậy, đổi mới hợp tác xã hay rộng hơn là kinh tế hợp tác, chính là phải đổi mới tư duy quản lý và hoạt động. Ví dụ như với hợp tác xã nông nghiệp, ngoài giúp xã viên về giống, kỹ thuật cần chủ động ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, bao tiêu sản phẩm…

Tất nhiên, bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng cần tập trung tháo gỡ ngay khó khăn cho hoạt động hợp tác xã như hoàn thành việc đăng ký chuyển đổi, giải quyết thủ tục giải thể, phá sản các đơn vị đã ngừng hoạt động để tạo điều kiện ra đời các hợp tác xã kiểu mới; tạo điều kiện về vốn, đất đai (trụ sở, đất sản xuất), tín dụng; đào tạo lại lực lượng trực tiếp tham gia điều hành hợp tác xã đã được chuyển đổi sang kiểu mới; tạo điều kiện cho các hợp tác xã cùng doanh nghiệp xây dựng những chuỗi giá trị sản phẩm... Việc tổ chức lại sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cũng là một yêu cầu bắt buộc.

Đã đến lúc xã hội phải nhận thức phù hợp về vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác và hợp tác xã, nhất là trong nông nghiệp. Cụ thể là phải làm sao để người dân liên kết chặt chẽ với nhau, hướng đến phát triển bền vững. Khi đó, nông dân muốn có thu nhập cao, muốn làm giàu thì phải vào hợp tác xã, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phát triển…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần tư duy phát triển mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.