Sáng 11-4, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự.
Khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, hiện nay, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác.
Trong gần 6 triệu thành viên HTX, có hơn 3,8 triệu thành viên là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững…
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Đảng và Nhà nước đã hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật cho khu vực HTX, đến nay cơ chế cơ bản hoàn thiện.
Trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, việc liên kết theo chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển HTX liên kết gắn với chuỗi sản xuất từ năm 2013, hỗ trợ phát triển kinh tế HTX, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách tín dụng; bảo hiểm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị… Các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, chính sách hỗ trợ hiện nay khá đầy đủ nhưng quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, như Luật HTX 2023 đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị...
Tại một số địa phương đã xuất hiện mô hình HTX kiểu mới, đem về thu nhập cho các thành viên, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn để xuất khẩu. Việc phát triển chuỗi sản xuất liên kết sẽ giúp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy mô lớn khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tạo hiệu quả trong sản xuất.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, khu vực kinh tế tập thể, HTX còn nhiều yếu kém. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực khu vực HTX còn hạn chế, khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh thiếu bền vững; chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị ở một số địa phương chưa được cụ thể hóa; các điều kiện thụ hưởng chính sách liên kết khó khăn, còn nhiều điểm chưa rõ ràng; hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh còn yếu; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với phát triển kinh tế tập thể, HTX...
Phó Thủ tướng đề nghị bộ, ngành, địa phương bám sát, quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ về chính sách phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng nhìn nhận, đây là yếu tố quan trọng, bởi có cơ chế chính sách mà không có nguồn nhân lực thì không thể thực hiện; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, thành viên HTX cần những yếu tố gì. Vì thế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và khu vực HTX cần thống nhất để bổ sung cách thức đào tạo.
Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố cần phối hợp để thực hiện hiệu quả, trong đó chú trọng tới Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; vùng nguyên liệu nông, lâm sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đầu tư, phát triển hạ tầng, thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vùng nguyên liệu bền vững và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm...
“Chính phủ luôn khuyến khích, quan tâm khu vực kinh tế tập thể, HTX. Làm sao để có cơ chế, chính sách giải quyết điểm nghẽn, thực hiện tốt mục tiêu, chương trình đề án do Chính phủ ban hành”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp, thỏa thuận hợp tác giữa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.