(HNM) - Thời gian gần đây, có nhiều dự án kéo dài, phát sinh kinh phí gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm triệu USD, vì các ban quản lý dự án (BQLDA) không đủ
Trong đó, ngành giao thông - vận tải (GT-VT) là một trong những ngành sử dụng vốn ngân sách nhà nước rất lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông (cầu đường, cảng biển, sân bay...). Được biết từ nay đến năm 2020 nước ta cần đến 960.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó vốn ngân sách và ODA dự kiến khoảng 47%. Đây là số vốn khá lớn, nếu không quản lý chặt sẽ gây ra lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư.
Ngành GT-VT đang quản lý các dự án thông qua mô hình các BQLDA - đại diện cho các chủ đầu tư của ngành... BQLDA quản lý các khâu từ thiết kế, thẩm định, mời và phê duyệt đấu thầu, giám sát quá trình thi công, nghiệm thu, thanh toán...
Hiện nay, bộ máy quản lý của nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm còn thiếu kinh nghiệm về quản lý. Nhân lực chủ chốt của BQLDA thường được điều động, bổ nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước. Phần lớn lãnh đạo các BQLDA là cán bộ công chức chứ không phải là chuyên gia về lĩnh vực chuyên ngành thiết kế, thẩm định, chuyên gia đấu thầu… thậm chí chưa có kinh nghiệm về các công việc đang thực thi.
Mặc dù các BQLDA có tuyển dụng thêm nhân viên thuộc các chuyên ngành có liên quan nhưng họ không đóng vai trò quyết định, cũng không phải là các chuyên gia hàng đầu trong chuyên ngành đó. Cũng vì bộ máy được thành lập theo mệnh lệnh hành chính nên tư duy của các BQLDA vẫn theo kiểu "xin - cho". Khi có vấn đề mới nảy sinh phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên; nếu phát sinh kinh phí thì giải trình, lập dự toán bổ sung trình cấp trên duyệt. Dự án chậm tiến độ, phát sinh chi phí thì ngành chủ quản cũng khó xem xét trách nhiệm của các BQLDA.
Để khắc phục những bất cập trên, cần phải thay đổi mô hình BQLDA, trong đó nên tuyển dụng nhân sự lãnh đạo, quản lý các BQLDA là các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực thiết kế, thẩm định, đấu thầu, giám sát...; bộ máy quản lý dự án cần phải thuê đội ngũ chuyên nghiệp thông qua các hợp đồng kinh tế; tăng cường sử dụng các nhà thầu theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công).
Việc sử dụng tổng thầu EPC sẽ giúp BQLDA tập trung các khâu chỉ đạo, điều hành về một đầu mối. Nhà thầu EPC sẽ thay mặt BQLDA chịu trách nhiệm điều hành dự án, thẩm định thiết kế, phê duyệt giá, phê duyệt các nhà thầu phụ... Nếu có những phát sinh không hợp lý, hoặc chậm tiến độ do chủ quan thì tổng thầu EPC phải chịu trách nhiệm. Vấn đề còn lại là BQLDA phải thuê các đơn vị tư vấn có năng lực để chọn được một tổng thầu EPC có kinh nghiệm, năng lực. Như vậy, các BQLDA sẽ tập trung quản lý một đầu mối nên sẽ hiệu quả hơn, thay vì quản lý nhiều nhà thầu phụ trong các lĩnh vực mà mình không am hiểu… Với cách làm này sẽ giảm bớt thất thoát vốn nhà nước trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.