(HNM) - Hà Nội đang hướng tới mục tiêu 100% người dân được sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt vào năm 2020. Tuy nhiên, quá trình phát triển, đô thị hóa diễn ra nhanh cũng đặt ra rất nhiều thách thức. Tỷ lệ người dân, nhất là ở đô thị đã được cải thiện đáng kể nhưng có nơi vẫn chưa được sử dụng nước sạch, đặc biệt là khu vực ngoại thành, dù đang dư nguồn cung.
Có nhiều nguyên nhân tác động đến mục tiêu cung cấp nước sạch tới hộ dân của thành phố dù nguồn cung đã khá tốt: Do mạng lưới cấp nước sạch ở thành phố triển khai chậm, người dân một số nơi còn chưa thực sự quan tâm sử dụng nước sạch dù đã triển khai hệ thống cấp nước tới địa phương...
Vì vậy, để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương 100% người dân được sử dụng nước sạch, cùng với nỗ lực của chính quyền, còn cần có sự góp sức của cả cộng đồng, bao gồm cả trách nhiệm, sự đầu tư của doanh nghiệp và ý thức sử dụng nước của người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp nước, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách có hạn, việc huy động xã hội hóa đầu tư rất quan trọng. Thời gian qua, Hà Nội đã kêu gọi được 23 nhà đầu tư, triển khai 34 dự án cấp nước, nguồn nước và mạng lưới. Các nguồn cung nước sạch của Hà Nội đã trở nên đa dạng và mang tính cạnh tranh cao khi một loạt các dự án cấp nước được triển khai, sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống.
Sự nỗ lực của các doanh nghiệp là đáng ghi nhận, song, như đã nói, có một thực tế khó khăn chính là việc phát triển mạng lưới đường ống cấp nước. Mức đầu tư lớn, nhưng có thể, số người dân sử dụng chưa cao, dẫn tới suất đầu tư cao nên không bảo đảm hiệu quả dự án. Cũng có dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công. Tất cả đã ảnh hưởng tới tiến độ cấp nước sạch tới các hộ dân.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các cơ quan quản lý, cần có nghiên cứu, ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ thực hiện các dự án cấp nước cho những khu vực có nhu cầu sử dụng nước sạch cao, có tính khả thi, bảo đảm hiệu quả dự án để tiến hành trước. Các cơ quan chức năng, sở, ngành, chính quyền địa phương cũng phải sát cánh cùng doanh nghiệp, chủ đầu tư trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ từng dự án, nhất là phát triển mạng lưới cấp nước.
Với các dự án xây dựng mới, chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để bảo đảm chất lượng nước và tiết kiệm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp hữu hiệu hơn trong kiểm soát, bảo vệ nguồn nước khỏi sự nhiễm bẩn, giảm dần việc khai thác nước ngầm, tăng tỷ lệ khai thác nước mặt; giám sát chặt chẽ chất lượng nước.
Về phía người dân, cũng cần thay đổi nhận thức về sử dụng nước sạch. Không nên chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt mà chấp nhận sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng, thay vì nguồn nước sạch được cấp tới tận nơi. Việc sử dụng nguồn nước tự nhiên, giếng khoan không qua các khâu xử lý có thể tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Khi tất cả các hộ có nhận thức đúng, cùng sử dụng nước sạch thì sẽ không chỉ nâng chất lượng cuộc sống mà còn giúp giảm suất đầu tư, từ đó, giảm giá nước.
Để làm được điều đó, cũng cần sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục để mỗi người dân hiểu rõ lợi ích khi sử dụng nước sạch, thay đổi thói quen, tự nguyện tham gia dự án, vì sức khỏe gia đình và lợi ích cộng đồng.
Toàn dân được sử dụng nước sạch là một mục tiêu vô cùng ý nghĩa và nó sẽ chỉ có thể hoàn thành nếu được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có sự nỗ lực của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.