(HNM) - Những thành tựu mà nền kinh tế nông nghiệp đã đạt được với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng trong tốp đầu thế giới như gạo, cà phê, thủy hải sản... mang lại kim ngạch hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho đất nước. Tuy nhiên thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến Ngành Nông nghiệp khó bứt phá.
Cái "vòng kim cô" kìm hãm, cản trở sự bứt phá chính là do sản xuất nông nghiệp mới tập trung tăng diện tích, tăng vụ và dựa vào nguồn lao động dồi dào, đất đai màu mỡ mà chưa dựa vào thành tựu của khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và công nghệ chế biến. Khi nền nông nghiệp chủ yếu là sản xuất quy mô hộ gia đình, ruộng đất nhỏ lẻ, phân tán, phần lớn nông dân vẫn canh tác theo tư duy “ruộng nhà nào nhà ấy làm, giống nhà nào nhà ấy gieo”, thì liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ trở nên lỏng lẻo, chất lượng, giá trị nông sản đạt thấp.
Mặt khác, cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế; công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị xuất khẩu, công nghiệp chế biến, dự báo thị trường chưa được quan tâm đúng mức nên sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị kinh tế thấp; thiếu tính cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới...
Đây là những thách thức lớn đối với nền nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Vì thế, để phát triển nông nghiệp tập trung quy mô lớn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế, chúng ta cần phải tạo sự đột phá, triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, phải ưu tiên tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, chuyển đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu sang sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao.
Một trong những biện pháp trước mắt là sớm hoàn thiện quy hoạch vùng, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo từng địa phương để mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách cụ thể như ưu đãi trong tích tụ ruộng đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ hạ tầng, quản lý chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường... Hệ thống ngân hàng thương mại cần ưu đãi lãi suất tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi dài hạn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã... đầu tư khoa học - công nghệ vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản...
Thực tế thời gian qua ở nước ta đã có một số doanh nghiệp tiên phong xây dựng mô hình nông nghiệp sạch, quy mô lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất cây giống tại Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình; Cánh đồng lớn của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang; nuôi bò và chế biến sữa của Công ty TH TrueMilk; Công ty Trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt; sản xuất nông nghiệp sạch trong nhà kính của Tập đoàn Vingroup... Đây là những mô hình hay cần được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu, học tập, nhân rộng trong thời gian tới, đưa nền nông nghiệp của nước ta phát triển bền vững. Muốn vậy, các địa phương được Nhà nước quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần tích cực vào cuộc, làm tốt vai trò quản lý, tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia vào mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện để nông dân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trực tiếp tham gia quy trình sản xuất và thụ hưởng lợi ích trên tỷ lệ vốn góp như những cổ đông nòng cốt... Chỉ khi có đất đai đủ để xây dựng mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, thì Ngành Nông nghiệp Việt Nam mới đủ sức thắng cuộc trong các "sân chơi".
Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam muốn đi xa hơn, bền vững hơn trên thương trường, đòi hỏi một sức sống từ thương hiệu và hình ảnh quốc gia. Sức sống đó phải được bắt đầu và bền bỉ tạo dựng từ chính sự bứt phá trong tư duy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.