(HNMO) - Chiều 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Cần quyết tâm sớm nối thông toàn tuyến
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) nhận định, báo cáo của Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân là do có nhiều dự án quan trọng cấp quốc gia được thực hiện cùng thời điểm dẫn tới nguồn lực hạn hẹp, khó khăn trong việc phân bổ đủ nguồn vốn.
Đại biểu nêu quan điểm, nguyên nhân này là chưa thuyết phục vì dự án là tuyến đường huyết mạch đã được giảm quy mô đầu tư. Do đó, đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế nguyên nhân thời gian qua, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong việc chậm hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho rằng, dự án này đã chậm tiến độ nhiều năm so với Nghị quyết của Quốc hội, do đó, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, thiệt hại của việc không hoàn thành thông tuyến vào năm 2020 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các địa phương có tuyến đường đi qua.
Đồng tình với báo cáo về những nguyên nhân chủ quan gây ra tồn tại, hạn chế này, trong đó có nguyên nhân về khâu tổ chức thực hiện thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và thiếu kiểm tra, rút kinh nghiệm nên dẫn đến hạn chế nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan, rút kinh nghiệm cho các công trình đang triển khai đầu tư rất lớn.
Còn đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, nguyên nhân của việc chậm trễ, kéo dài dự án đường Hồ Chí Minh là do trong quá trình triển khai dự án, thời gian kéo dài quy mô lớn và gặp không ít khó khăn nhất là việc ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Một số dự án thành phần còn chậm, công tác thực hiện giải phóng mặt bằng ở một số địa phương làm chưa quyết liệt và còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ.
Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư để thông toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025, không để tuyến đường mang tên Bác kéo dài nhiều năm sang giai đoạn 2026-2030.
“Có như thế, tuyến đường mới thực sự phát huy được hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có thiên đường đi qua và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, cần tiếp tục đầu tư để thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ này và để bảo đảm tính khả thi, đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ về nguồn lực bố trí đầu tư, thời hạn bố trí vốn để dự án này để không lỡ nhịp lần nữa.
Đồng thời, đại biểu kiến nghị, Chính phủ có kế hoạch bố trí vốn đầu tư duy tu, sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đường của đường Hồ Chí Minh đi chung với một số quốc lộ khác đã xuống cấp hoặc những đoạn đường đầu tư lâu nay đã bị hư hỏng nhằm phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn trong thực thi nhiệm vụ là mở đường cho kinh tế phát triển.
Chuẩn bị kỹ lưỡng dự án trong giai đoạn tiếp theo
Để triển khai nhanh chóng, kịp thời các dự án cao tốc nói chung cũng như dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả và tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường cao tốc nói chung, dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng, giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) nêu ý kiến, đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng trên tuyến đường này, cuộc sống của họ rất khó khăn, chủ yếu dựa vào đất rừng để sản xuất, sinh hoạt, phục vụ đời sống.
Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá cụ thể hơn về tác động của dự án đến việc di dân, tái định cư, công tác an sinh xã hội, phương án phục hồi kinh tế của người dân, nhất là làm rõ vai trò phối hợp bộ, ngành chủ quản với các chính quyền địa phương trong thực hiện các nội dung này.
Quan tâm đến vấn đề môi trường, kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đề nghị, đối với các dự án thành phần đã hoàn thành của dự án đường Hồ Chí Minh, cần phải có báo cáo đánh giá tác động về môi trường, kinh tế - xã hội để rút kinh nghiệm cho các dự án thành phần sắp tới, cũng như rút kinh nghiệm cho các dự án lớn tương tự như dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tránh tình trạng hoàn thành nghị quyết này lại ảnh hưởng đến nghị quyết khác.
Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, kinh tế - xã hội cần phải có những đánh giá nghiêm túc, bám sát và có những điều chỉnh phù hợp.
Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, về nguyên nhân chậm tiến độ dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 2011-2015, bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế năm 2008-2010, vì thế, giai đoạn 2011-2015, hầu như các dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh phải dừng, giãn để kiềm chế lạm phát.
Giai đoạn 2016-2020, chủ trương dừng, giãn và tập trung dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Chính vì thế, nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh cũng rất ít nên không đủ nguồn lực thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, còn một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là đường Hồ Chí Minh là con đường đi qua địa hình phức tạp, khu vực địa chất khó khăn, thời tiết phức tạp. Do đó, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh một số địa phương giải phóng mặt bằng chậm…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của đại biểu để hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết liên quan đến dự án đường Hồ Chí Minh, đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ ba để trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào phiên bế mạc kỳ họp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.