(HNM) - Ở đâu có nhiều cát, sỏi ở đó thường xuyên diễn ra cảnh khai thác trái phép. TP Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều “điểm nóng” về khai thác cát, sỏi trái phép với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Việc khai thác cát, sỏi trái phép gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đó là làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường thủy, gây nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng dòng chảy và hệ thống đê kè, gây ô nhiễm môi trường, nhất là vào cao điểm mùa mưa bão.
Ngay giữa mùa mưa bão, dù đã bị cấm, nhưng tại một số nơi, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra lúc lén lút, khi "công khai".
Thống kê mới nhất cho thấy, từ tháng 5-2016 đến cuối tháng 7-2017, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 316 vụ với 389 đối tượng; tạm giữ 374 tàu, thuyền các loại; hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 270 vụ với số tiền 7,42 tỷ đồng; tịch thu 9 tàu hút cát... Một vài số liệu trên dù chưa đủ để hình dung hết tính chất, mức độ phức tạp của tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng cũng cho thấy việc đấu tranh với nạn “cát tặc” là không đơn giản.
Nguyên nhân là lợi nhuận từ việc khai thác cát, sỏi trái phép đem lại rất lớn bởi nhu cầu về vật liệu xây dựng ngày càng nhiều.
Về chủ quan, theo quy định phải chứng minh được hành vi gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về môi trường hoặc số lượng khoáng sản khai thác bán được từ 300 triệu đồng trở lên mới bị truy tố. Bên cạnh đó, lực lượng, phương tiện trang bị cho Công an thành phố phục vụ công tác tuần tra, phát hiện, bắt giữ còn hạn chế. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác cát, sỏi trái phép trên sông gặp nhiều khó khăn do các tàu thuyền di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác khi có lực lượng chức năng kiểm tra.
Với đà khai thác cát sỏi trái phép như hiện nay, nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt và gây ra nhiều hệ lụy đối với môi trường, gây bức xúc trong xã hội. Vì thế, việc ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép là hết sức cần thiết.
Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản để tổ chức, cá nhân khi tham gia vào hoạt động khai thác nhận thức đầy đủ và đúng pháp luật. Các lực lượng chức năng của thành phố cần mạnh tay xử lý sai phạm, đặc biệt sớm có hướng dẫn cụ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với khai thác cát trái phép nhằm chấn chỉnh kỷ cương trong lĩnh vực này.
Các sở, ngành và quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về hoạt động khoáng sản, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện chịu trách nhiệm trước thành phố về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với lãnh đạo xã, phường và tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngày 14-7-2017, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 3454/UBND-ĐT chỉ đạo các đơn vị liên quan đóng góp ý kiến về Quy định tạm thời sắp xếp các điểm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn. UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng “Đề án đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát tại các điểm mỏ cát trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn TP Hà Nội”. Hy vọng rằng với các giải pháp đồng bộ, triệt để, hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn thành phố sẽ sớm đi vào nền nếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.