(HNM) - Cảng biển là một trong những hạ tầng cơ sở quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cảng biển và hậu cần cảng biển cũng được xem là những nền tảng cơ bản của dịch vụ logistics.
Tuy nhiên, việc quản lý, đầu tư xây dựng các cảng biển trong hệ thống cảng biển của Việt Nam hiện nay khá khác biệt so với hầu hết các nước trên thế giới, dẫn đến hệ quả đầu tư, khai thác manh mún, vừa thừa vừa thiếu, gây lãng phí nhiều mặt và không đồng bộ. Hiện trạng trên là do phụ thuộc vào năng lực tài chính của mỗi doanh nghiệp.
Có doanh nghiệp thì chú trọng đầu tư vào cảng bến, mà không chú trọng vào đầu tư kho tàng, bến bãi, hoặc không tập trung vào việc nâng cấp hiện đại các trang thiết bị bốc dỡ. Điều này dẫn đến tình trạng trong cùng một khu bến có nhiều doanh nghiệp khác nhau cùng khai thác cảng biển dẫn đến dư thừa công suất kéo theo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các doanh nghiệp này.
Bộ GT-VT đang quản lý về quy hoạch chuyên ngành, trong khi các địa phương lại quản lý và thực hiện việc cấp đất, cấp giấy phép đầu tư các dự án. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa hai cơ quan này chưa hiệu quả nên việc cấp đất, cấp phép đầu tư cảng biển bị phân mảnh và không đúng tầm nhìn quy hoạch dài hạn.
Một bất cập khác là mạng kỹ thuật hạ tầng (điện, nước, đường sắt, đường bộ nối mạng quốc gia…) chưa đồng bộ với quy mô, thời điểm đưa cảng vào vận hành khai thác. Hầu hết các cảng chính đều nằm sâu phía trong sông, lại gần các trung tâm dân cư đô thị, nên rất khó cải tạo, nâng cấp luồng và đường giao thông kết nối với cảng.
Tất cả những hệ lụy này đều xuất phát từ một nguyên nhân rất cơ bản là thiếu một “nhạc trưởng” để điều phối việc đầu tư xây dựng, khai thác cả một khu vực cảng biển tại từng địa phương. Tìm một “nhạc trưởng” giống như mô hình “chính quyền cảng”, hoặc “Ban quản lý khai thác cảng biển” như thông lệ quốc tế đang là yêu cầu cấp thiết. Trong thành phần “nhạc trưởng” này có sự tham gia của chính quyền địa phương, một số ngành liên quan.
Đây chính là tổ chức chịu trách nhiệm điều phối chung, như vậy sẽ giúp việc xây dựng và phát triển cảng theo đúng quy hoạch, định hướng chiến lược và nhu cầu sử dụng cảng; khắc phục tình trạng bất cập giữa cung và cầu, từ đó phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động đầu tư, khai thác cảng biển khu vực; tối ưu hóa hiệu quả việc kết nối cảng biển với khu vực hậu cần sau cảng, khu công nghiệp phụ trợ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.