(HNM) - Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn các vi phạm về động vật hoang dã, Việt Nam vẫn bị đánh giá là thị trường sử dụng, tiêu thụ, trung chuyển trái phép động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã lớn ở khu vực.
Chăm sóc, cứu hộ động vật tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), từ năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ 28.728kg ngà voi, hơn 478,8kg sừng tê giác, hơn 15.000kg vảy tê tê và nhiều mẫu vật san hô đen, rùa sống, xương hổ, vỏ trai tai tượng... Năm 2017 và 2018, cả nước đã xảy ra 40 vụ buôn bán trái phép sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm như ngà voi, vảy tê tê…
Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cũng ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên internet với hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm trong năm 2018. Tại TP Hà Nội, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã bắt, xử lý hàng chục đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã với 154 cá thể.
Vi phạm buôn bán động vật hoang dã diễn ra nhiều nhưng việc xử lý gặp khó khăn, kéo dài. Nhiều vụ việc chỉ bắt được tang vật mà không tìm được chủ của lô hàng. Không ít vụ việc bắt được đối tượng vi phạm nhưng cũng chỉ bị xử mức án treo.
Theo Tòa án nhân dân Tối cao, từ năm 2015 đến năm 2017, đơn vị đã thụ lý 231 vụ với 339 bị cáo vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm. Trong đó, 8 bị cáo bị phạt tù từ 3 đến 7 năm; 96 trường hợp bị phạt tù 3 năm trở xuống; các trường hợp còn lại chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo, nên tác dụng răn đe chưa cao...
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng chia sẻ, tình trạng vi phạm về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã xảy ra nhiều là do tâm lý của người tiêu dùng muốn sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh...
Song thực tế, có nhiều động vật hoang dã nằm trong sách đỏ cấm buôn bán, vận chuyển, không có giá trị thương mại, nhưng do không nhận thức được nên nhiều người vẫn nuôi hoặc trao đổi, mua bán (điển hình như con cu li)… Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không bị "tiền mất, tật mang", tiếp tay cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay, việc thống kê số liệu liên quan đến vi phạm về động vật hoang dã của cơ quan chức năng chưa có sự thống nhất, rất khó có được đánh giá tổng thể về thực trạng nạn buôn lậu động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã. Trong khi đó, các đường dây buôn bán động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã xuyên quốc gia mang lại lợi nhuận khổng lồ, nên hình thức buôn bán trái phép ngày càng tinh vi. Để đạt được hiệu quả cao trong quản lý, ngăn chặn, xử lý, rất cần có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan như: Công an, Hải quan... trong việc chia sẻ thông tin, số liệu, lập các chuyên án lớn đấu tranh đối với loại tội phạm này.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho rằng, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ đầu năm 2018 là một trong những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã, đã xóa bỏ được nhiều lỗ hổng pháp lý trước đây, tăng mức phạt với những vi phạm nghiêm trọng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tội phạm về động vật hoang dã.
Do đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là cơ quan chức năng cần tích cực điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã; tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm trên internet quảng cáo và mua bán các loài động vật hoang dã...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.