(HNM) - Thị trường bất động sản đã chứng kiến hiện tượng sốt đấu giá đất ở nhiều nơi, trong đó có trường hợp giá trúng đấu giá cao bất thường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh). Để ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để "thổi giá" vượt xa giá thị trường nhằm trục lợi, khiến giá đất khu vực lân cận tăng phi mã, cần có "cây gậy" pháp lý đủ mạnh...
Thời gian qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến trường hợp trúng đấu giá cao bất thường tại khu chức năng số 3 khu dân cư phía Bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức 37.350 tỷ đồng, gấp nhiều lần giá khởi điểm. Đây là mức giá cao kỷ lục tại thị trường bất động sản Việt Nam, gây tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở khu vực này. Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường mới cơ bản ổn định trở lại.
Trước thực trạng trên, các bộ, ngành liên quan đã vào cuộc kiểm soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả rà soát của Bộ Tư pháp cho thấy, đang có sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau, gây khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện, khiến khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 46, Luật Đấu giá tài sản quy định, người trúng đấu giá được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua, bán tài sản đấu giá kể từ thời điểm đấu giá viên công bố trúng đấu giá; kể từ thời điểm này, quyền, nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, việc nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo pháp luật về đất đai, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, quy định hiện hành và việc áp dụng tại các địa phương đang không thống nhất. Hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình đề nghị người trúng đấu giá phải nộp tiền trúng đấu giá trong 30 ngày, tỉnh Vĩnh Phúc quy định thời hạn này là 20 ngày...
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả trúng đấu giá bình quân ở nhiều tỉnh, thành phố không quá cao so với giá khởi điểm (thành phố Cần Thơ tối đa cao hơn 53%, tỉnh Đồng Tháp tối đa cao hơn 24%, tỉnh Bến Tre bình quân cao hơn 20%...). Song, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, tại một số địa phương có hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”, “thổi giá, dìm giá” gây bức xúc dư luận, làm biến dạng thị trường bất động sản, thất thoát tài sản của Nhà nước. “Thổi giá” lên cao còn tạo ra một mặt bằng giá mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế. Nếu nói sâu hơn nữa thì đằng sau việc “thổi giá” còn rất nhiều hệ lụy. Đặc biệt, khi giá đất là giá ảo nhưng lại có thể được thế chấp để vay tiền ngân hàng - một hành động thực, điều này sẽ làm mất an ninh tiền tệ.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cho rằng, cần có những giải pháp về tài chính tín dụng, đặc biệt là tăng nguồn cung nhà xã hội. Quan trọng nhất là các địa phương cần công bố công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập các đơn vị hành chính để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất trục lợi bất hợp pháp.
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, bên cạnh hoàn thiện thể chế, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo rà soát tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để bảo đảm an toàn tín dụng. Trong khi đó, Bộ Tư pháp đề xuất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu cơ chế tiếp nhận, kịp thời xử lý các tố cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về hoạt động đấu giá tài sản; bổ sung chế tài đối với doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá. Bộ Tư pháp cũng cho biết sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi quy định biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức bán đấu giá tài sản để bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục đấu giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.