Sức nóng tại các phiên đấu giá đất ở Hà Nội đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận khi giá liên tục đẩy lên cao, vượt xa mức khởi điểm.
Để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Nội đang được thành phố coi là nhiệm vụ quan trọng với những giải pháp cụ thể...
Những phiên đấu giá "nóng rẫy"
Thị trường đấu giá đất ở Hà Nội đang sôi động hơn bao giờ hết với sự gia tăng đột biến về số lượng và giá trị. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, tổng số tiền trúng đấu giá đã đạt khoảng 11.013 tỷ đồng, vượt xa con số 9.200,62 tỷ đồng của cả năm 2023. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong công tác tổ chức đấu giá đất từ nhiều địa phương, như: Long Biên, Mê Linh, Phú Xuyên...
Tại quận Long Biên, kết quả đấu giá đã đạt 194,74% kế hoạch, tương đương 5.242,54 tỷ đồng; huyện Mê Linh đạt 244% kế hoạch với 1.324,21 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên đạt 104,19% kế hoạch với 179,81 tỷ đồng.
Ngoài ra, các huyện: Gia Lâm, Chương Mỹ, Quốc Oai cũng đạt hơn 50% kế hoạch. Điều này cho thấy sự chủ động và hiệu quả trong việc đấu giá đất để tăng thu ngân sách, tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng cơ sở.
Một trong những điểm đáng chú ý gần đây là phiên đấu giá ngày 10-8-2024 tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai), 68 thửa đất với diện tích hơn 5.500m² đã được đấu giá với mức trúng 100,575 triệu đồng/m² - cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm 8,667-12,575 triệu đồng/m².
Tương tự, ngày 19-8-2024, tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), 19 thửa đất, tổng diện tích gần 1.800m² đã được đấu giá với mức khởi điểm 7,3 triệu đồng/m². Giá trúng dao động từ 91,3 triệu đồng đến 133,3 triệu đồng/m² cũng gây chú ý của dư luận...
Đặc biệt, phiên đấu giá tại quận Hà Đông vào cuối tuần qua khiến rất nhiều người quan tâm khi giá trúng đấu cao nhất lên tới hơn 262 triệu đồng/m² - kỷ lục mới của thị trường đấu giá đất Hà Nội.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định, quy trình, thủ tục đấu giá đất tại thành phố tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo và văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, đặc biệt là bám sát tinh thần của Luật Đất đai, các thông tư hướng dẫn liên quan.
Việc tổ chức các phiên đấu giá đất được thực hiện đúng quy định, bảo đảm minh bạch. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam nhấn mạnh, hiện tượng giá đất bị đẩy cao quá mức và bỏ cọc chỉ xảy ra ở một số lô đất cá biệt, không phản ánh toàn cảnh của thị trường đấu giá đất trên địa bàn.
Nhiều địa phương như: Phú Xuyên, Thường Tín, Quốc Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng... chưa ghi nhận tình trạng bỏ cọc sau đấu giá, cho thấy sự ổn định, nghiêm túc trong thực hiện quy trình đấu giá đất tại đây.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông Lê Thị Kim Oanh cho hay, kết quả trúng đấu giá vừa qua là bình thường, lô trúng giá cao nhất chỉ là cá biệt; các lô đất còn lại đều ở mức thấp hơn, phản ánh đúng giá thị trường. Thửa đất trúng đấu giá cao nhất là lô góc, tiếp giáp 2 tuyến đường lớn...
Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai Phan Trung Cường cho biết, phiên đấu giá diễn ra công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho tất cả các bên. Từ đầu năm đến nay, Quốc Oai đã tổ chức thành công 4 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu về hơn 420 tỷ đồng. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, huyện tổ chức thêm phiên đấu giá tại các xã: Tân Phú, Sài Sơn, dự kiến thu thêm 250-300 tỷ đồng, đưa tổng thu đấu giá đất của huyện Quốc Oai năm 2024 lên khoảng 600-700 tỷ đồng, vượt kế hoạch thành phố giao.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên Đỗ Thành Công, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 5 phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở, thu hơn 331 tỷ đồng (đạt 115,4% kế hoạch giao). Trong tháng 9 năm 2024, huyện đấu giá thành công 2 khu đất tại các xã: Phú Yên, Châu Can, mức trúng cao nhất đạt hơn 60 triệu đồng/m2…
Nắn thẳng, quản chặt
Bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường đấu giá đất Hà Nội cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là hiện tượng "thổi giá", bỏ cọc.
Theo ghi nhận tại huyện Thanh Oai, 80% số lô đất trúng đấu giá, trong đó có lô giá trúng cao nhất hơn 100 triệu đồng/m² người trúng đấu giá bỏ cọc. Hành vi này không chỉ gây nhiễu loạn thị trường mà còn làm thất thu ngân sách, gây khó khăn cho cơ quan tổ chức đấu giá.
Để hạn chế tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nhiều biện pháp bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong các phiên đấu giá đất.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, Sở đang tích cực phối hợp với các quận, huyện để rà soát, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp giá thị trường. Các phiên đấu giá sẽ được giám sát chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng thổi giá, thông đồng đấu giá, bỏ cọc. Tuy nhiên, Sở cũng thừa nhận việc điều chỉnh bảng giá đất chưa theo kịp tốc độ của thị trường...
Để khắc phục tồn tại, UBND thành phố Hà Nội đề xuất một số giải pháp nhằm điều chỉnh hoạt động đấu giá đất. Một trong những đề xuất quan trọng là ưu tiên đấu giá đất cho các tổ chức có dự án đầu tư thay vì cho cá nhân tự xây dựng nhà ở nhằm ngăn chặn tình trạng cá nhân lợi dụng đấu giá để đẩy lên cao rồi bỏ cọc hoặc sử dụng đất không đúng mục đích.
Việc ưu tiên đấu giá đất cho các tổ chức có dự án đầu tư rõ ràng không chỉ kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng đất mà còn bảo đảm đất đai được sử dụng đúng quy hoạch; tạo những công trình có giá trị sử dụng thực tế, ngăn chặn tình trạng đất bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên...
Bên cạnh đó, các biện pháp khác, như: Cơ quan công an được yêu cầu tham gia quá trình giám sát các phiên đấu giá nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm; các địa phương công khai danh sách cá nhân bỏ cọc, và người bỏ cọc trong các phiên đấu giá không được tham dự phiên đấu giá tiếp theo…
Hy vọng, với những giải pháp rõ ràng trong công tác đấu giá đất trên địa bàn thành phố, tới đây, lĩnh vực này sẽ đạt hiệu quả, đưa đất đai trở về đúng giá trị vốn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo sự bình ổn trong đời sống nhân dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.