Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh: Liên thông để tạo đột phá

TRỌNG NGÔN| 31/12/2018 06:11

(HNM) - TP Hồ Chí Minh xác định năm 2019 phải tạo đột phá thực chất trong cải cách hành chính. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, thành phố sẽ tập trung cải cách hành chính nội bộ của từng cơ quan và liên thông giữa các cơ quan với nhau để cả bộ máy cùng chuyển động, tạo đột phá trong cải cách hành chính.

Hiệu quả bước đầu

Anh Trần Thanh Bình (phường Tân Quy, quận 7) hồ hởi cho hay, anh vừa hoàn tất giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Điều đặc biệt là thời gian xử lý hồ sơ của anh chỉ mất 3 ngày làm việc. “Ban đầu tôi tưởng phải đợi cả tháng và “đi lên, đi xuống” vài lần mới xong. Không ai nghĩ mọi việc rất nhanh, thủ tục cũng đơn giản, chủ yếu thực hiện qua mạng”, anh Bình chia sẻ.

Người dân đến trụ sở UBND quận 7, TP Hồ Chí Minh làm thủ tục hành chính.


Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho UBND quận 7 triển khai xây dựng Đề án chi tiết thí điểm rút gọn quy trình dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3) về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại một số tuyến đường trên địa bàn quận.

Theo đó, người dân chỉ cần vào phần mềm, điền số tờ, số thửa khu đất sẽ nắm được thông tin công trình được phép xây dựng như thế nào, chiều cao tối đa... Khi người dân đăng ký cấp phép, trong 3 ngày sẽ có giấy phép xây dựng mà không cần đến trụ sở UBND quận nộp hồ sơ, cũng không phải lập bản vẽ như trước đây.

Còn tại quận 3, cơ quan này đang thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết 19 thủ tục hành chính so với quy định hiện hành. Trong đó, 8 thủ tục cần tiếp tục điều chỉnh theo góp ý của các sở, ngành; 11 thủ tục được UBND thành phố đánh giá là mô hình hay có thể nhân rộng ở các quận, huyện khác; thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 4 giờ.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2018, số thủ tục hành chính liên thông, liên thông điện tử trong nội bộ cơ quan, giữa các cơ quan cùng cấp và ngành dọc tăng mạnh. Các cơ quan, đơn vị cũng mở rộng áp dụng mô hình “một cửa” điện tử, như thí điểm liên thông điện tử trong cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng (liên thông quy trình lấy ý kiến từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hồ Chí Minh); liên thông giữa Sở Tư pháp, Công an TP Hồ Chí Minh, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53) - Bộ Công an để cấp phiếu lý lịch tư pháp...

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Cách đây không lâu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, cán bộ không làm được việc thì nên nghỉ. Nhiều lần, lãnh đạo UBND thành phố cũng nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính.

Trong các cuộc họp về kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải là người đứng đầu sở, ban, ngành, quận, huyện đi họp, không để cấp dưới đi, bởi người đứng đầu sẽ nắm rõ nhất hoạt động của đơn vị mình, qua đó truyền đạt thông tin cũng như đề xuất giải pháp mới hiệu quả.

Tuy vậy, trong năm 2018, công tác cải cách hành chính của TP Hồ Chí Minh còn không ít hạn chế. Do đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, năm 2019 phải là năm đột phá về cải cách hành chính. Năm 2019 cũng là năm trọng tâm góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình cải cách hành chính của thành phố đến năm 2020. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt hơn 50%, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%.

Để đạt được các mục tiêu trên, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, các lĩnh vực thành phố ưu tiên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong năm 2019 gồm: Xây dựng, nhà đất; cấp giấy phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp; thuế; hải quan; bảo hiểm xã hội; chính sách đối với người có công; hộ tịch; phí, lệ phí; khiếu nại, tố cáo…

Về giải pháp, thành phố nghiên cứu phương thức từ “tiền kiểm sang hậu kiểm” nhất là trong lĩnh vực cấp phép kinh doanh có điều kiện để giảm chi phí hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị các cấp thông qua quy chế phối hợp cụ thể. Đối với mỗi cán bộ, công chức, thành phố yêu cầu phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; trong đó người đứng đầu đơn vị phải chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp để đề ra giải pháp hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý sau kiểm tra, thanh tra.

Tại hội nghị mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cải cách hành chính phải thực sự đi vào chiều sâu, phục vụ tốt nhất đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, người đứng đầu Đảng bộ thành phố kêu gọi tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa truyền thống, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố, từ đó làm động lực, tạo chuyển biến để cả bộ máy cùng chuyển động trong cải cách hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh: Liên thông để tạo đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.