Tết gắn liền với mâm cao cỗ đầy, thịt nguội, bánh chưng, dưa hành củ kiệu…, là thời điểm nhu cầu tiêu thụ và dự trữ thực phẩm tăng cao.
Những thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao trong dịp Tết
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính của việc ngộ độc thực phẩm là do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học như kim loại nặng, độc tố vi nấm... Đặc biệt, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, sữa là các chất giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển, khi đó thức ăn đã biến thành chất độc.
Dùng thực phẩm sạch, ăn chín uống sôi để bảo vệ sức khỏe gia đình trong ngày Tết. |
Sinh vật truyền nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn khác nhau, vi rút và ký sinh trùng hoặc độc tố, dịch tiết của chúng là nguyên nhân phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm. Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn cho thực phẩm có thể tồn tại ở khắp mọi nơi trong không khí, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng hay giao mùa cũng làm các vi khuẩn trong thức ăn phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết thì nguy cơ ngộ độc tăng cao và thường xuyên xảy ra.
Một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ra ngộ độc trong những ngày lễ, Tết như ăn thịt gỏi hay thịt chưa chín kỹ, ăn các món gỏi lạ. Bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có màu (hóa chất) và mùi lạ, không rõ hạn dùng. Các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Ăn các loại rau sống không được rửa sạch. Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn, các thức uống tự pha chế không đảm bảo vệ sinh.
Bác sĩ Trần Thanh Khiết, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết, phần lớn các ca ngộ độc đều xảy ra một cách lẻ tẻ và mang tính cá nhân. Nguyên nhân của các ca này thường không được xác định. Ngộ độc hàng loạt thường được nhận diện khi các nạn nhân quen biết lẫn nhau, cùng ăn uống tại một địa điểm như công ty, xí nghiệp, quán ăn…
Bác sĩ Khiết cho biết thêm, vì tác nhân gây độc là đa dạng nên triệu chứng cũng hết sức đa dạng. Không phải tất cả, nhưng hầu hết các triệu chứng thường là bắt đầu từ đường tiêu hoá như nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn, nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thức ăn. Tuy nhiên, vẫn có các triệu chứng, hội chứng có tính chất đặc trưng, đặc hiệu cho một loại tác nhân gây độc, như co giật sẽ nghĩ đến các hoá chất bảo vệ thực vật, sốt kèm đau bụng, tiêu chảy phân có máu hoặc như nước rửa thịt gợi ý tiêu chảy nhiễm trùng…
Sơ và cấp cứu kịp thời khi có những biểu hiện ngộ độc thực phẩm
Theo các bác sĩ, khi bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, phải làm cho người bệnh nôn hết thực phẩm đã sử dụng. Gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh, bằng cách cho bệnh nhân uống 100-200ml nước sạch rồi dùng tăm bông, hoặc ống xông ngoáy họng, cúi thấp đầu nôn, tránh sặc vào phổi. Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng của than hoạt tính là hút các chất độc ngăn không cho chất độc thấm vào máu.
Đối với trường hợp bệnh nhân có biểu hiện tiêu chảy, không nên uống thuốc cầm tiêu chảy mà cho bệnh nhân tiêu ra hết. Khi bệnh nhân có biểu hiện mất nước nên cho bệnh nhân uống oresol pha với 1 lít nước hoặc nếu không có sẵn gói oresol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cùng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước.
Theo bác sĩ Khiết, người bị ngộ độc mất rất nhiều nước, cần phải bổ sung nước kịp thời. Uống nhiều dung dịch oresol, nước cháo, nước cam, nước dừa sau mỗi lần nôn hay đi ngoài. Nên đến bệnh viện nếu sốt cao, mất nước nặng, phân có máu... Sau khi bị ngộ độc, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa để sức khỏe mau hồi phục. Trường hợp ngộ độc nặng, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu khẩn cấp. Chú ý lưu mẫu phân, dịch ói, thức ăn để cơ quan chuyên môn tiến hành xét nghiệm tìm nguyên nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.