Y tế

Lưu ý những thực phẩm ăn vào có nồng độ cồn ngày Tết

Theo Lao Động 12/02/2024 - 18:22

Thời gian qua, lực lượng chức năng siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn. Nhiều người đã từ bỏ uống rượu, bia ngày Tết. Tuy nhiên, khi ăn, uống một số thực phẩm vẫn có khả năng tạo ra nồng độ cồn.

Lưu ý những thực phẩm ăn vào có nồng độ cồn ngày Tết
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Hữu Chánh

Ngày Tết, nhà nào cũng bày bánh kẹo mời khách. Nếu phải lái xe, người dân cần tránh món Chocolate rượu.

Đây là loại kẹo có nhân là rượu vang hoặc rượu mạnh trên 40 độ với hàm lượng ethanol trên 80%.

Chỉ cần ăn 5, 6 viên kẹo chocolate này, trong hơi thở đã có nồng độ cồn. Điều này đồng nghĩa, người dân sẽ gặp phải rắc rối pháp lý khi bị cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn.

Không chỉ bánh kẹo, một số loại hoa quả cũng chứa lượng cồn nhất định. Một số loại trái cây có hàm lượng đường cao khác như nho, dứa, táo, chuối, sầu riêng, xoài… Trái cây chín lên men có thể tạo ra lượng cồn nhất định trong hơi thở. Ngoài ra, một số đồ uống từ trái cây, siro, nước tăng lực cũng chứa nồng độ cồn.

Một trong những lưu ý là một số món ăn ngày Tết có thành phần là rượu bia. Khi ăn các món sử dụng rượu, bia khi chế biến… cũng hấp thu một lượng cồn nhất định. Ví dụ món như cá hấp bia, bò nhúng dấm, gà hấp rượu…

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Không chỉ rượu, bia, một số đồ uống, thức ăn có chút ít ethanol cũng gây dương tính trong hơi thở. Ví dụ, nước uống hoa quả lên men, socola, một số loại thuốc siro, cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng, thức ăn tinh bột đường lên men…

"Tuy nhiên, mọi người cũng không cần quá lo lắng vì lực lượng công an sẽ có nghiệp vụ để kiểm tra đúng. Nếu không may ăn đồ ăn, uống thuốc có lượng ethanol nhỏ như trên thì nên đợi 15 phút đến 1 giờ mới tham gia giao thông sẽ an toàn", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Trao đổi về vấn đề này, trước đó, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.

Sau khi ăn, chúng ta chỉ cần uống một cốc nước hoặc đi lại chừng 15 - 20 phút là lượng cồn này không còn lưu lại trong hơi thở nữa. Xác suất người dân vừa ăn xong thực phẩm chứa cồn liền bị cảnh sát giao thông kiểm tra là rất nhỏ.

Thông thường đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn khoảng 10 gam cồn nguyên chất, tương đương với 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%).

Tuy nhiên, để chuyển hóa hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể phải mất từ 1 - 2 giờ.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, trong quá trình lập biên bản, người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Nếu chưa rõ ràng, người vi phạm giao thông sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lưu ý những thực phẩm ăn vào có nồng độ cồn ngày Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.