(HNM) - Chậm, hủy chuyến luôn là vấn đề gây đau đầu với các hãng hàng không, bởi ảnh hưởng tới uy tín và gây tốn kém chi phí.
Càng chậm càng thiệt hại
Chậm, hủy chuyến là tình trạng diễn ra khá phổ biến trong hoạt động khai thác hàng không. Tuy nhiên, cũng do diễn ra nhiều lần nên đã có không ít hành khách tỏ ra nghi ngờ các hãng hàng không cố tình cho “delay” (chậm trễ) chuyến bay để ghép khách nhằm giảm chi phí.
Không hãng nào muốn “delay” hay dồn chuyến là quan điểm được đại diện lãnh đạo các hãng hàng không nhấn mạnh. Ông Đinh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm điều hành, khai thác Vietnam Airlines cho biết, thời gian qua có khoảng 60-70% chuyến bay bị chậm, hủy chuyến là liên quan đến thời tiết, đặc biệt là với các đường bay quốc tế khi có bão. Ước tính, thiệt hại đối với Vietnam Airlines về thực hiện chính sách bồi thường hành khách, thời gian quay vòng máy bay, chi phí dịch vụ mặt đất… vào khoảng 50-55 USD cho 1 phút chậm, hủy chuyến.
Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Nguyễn Quốc Phương cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, có 54 vụ máy bay của hãng bị sét đánh; 154 vụ chim va vào máy bay, tập trung ở các sân bay: Phú Quốc, Đồng Hới, Vinh tăng cao hơn so với năm trước. Khi máy bay bị chim va hay sét đánh, hãng đều phải dừng hoạt động để kiểm tra kỹ thuật khiến các chuyến tiếp theo bị chậm.
Theo ông Lương Thế Phúc, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, cứ chậm 1 phút, Vietjet thiệt hại khoảng 100 USD. Không chỉ thiệt hại về tài chính, hãng còn mất uy tín với khách hàng, trong khi hành khách bị ảnh hưởng về thời gian đi lại...
Khắc phục nguyên nhân chủ quan
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải và Cục đã có những quy định khá nghiêm ngặt để khuyến khích các hãng nâng cao chỉ số OTP và chất lượng dịch vụ. Cụ thể, nếu trong 3-5 tuần liên tiếp mà OTP không đạt 70% sẽ không cho tăng chuyến, không cho mở đường bay mới, đồng thời thông số chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không được công khai trên website của Cục để công chúng biết. Các hãng có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao cũng sẽ bị thiệt hại nhiều về uy tín và giảm năng lực cạnh tranh so với đối thủ. Các cảng hàng không đều có phòng giám sát chất lượng dịch vụ của các đơn vị, căn cứ lịch bay, tình hình khai thác đều có thể xác minh được lý do chậm, hủy chuyến của hãng đưa ra có đúng hay không, tránh trường hợp “khai man".
Để nâng cao tỷ lệ chuyến bay đúng giờ, giữa các đơn vị liên quan trong dây chuyền cần phối hợp chặt chẽ, chi tiết từng kế hoạch bay, máy bay và phi hành đoàn dự phòng, điều hành bay, phục vụ mặt đất, ứng dụng công nghệ phần mềm quản lý... và chú trọng văn hóa ứng xử với hành khách khi chậm, hủy chuyến. Trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm, hủy chuyến thì những nguyên nhân chủ quan như kỹ thuật chưa bảo đảm; sắp xếp lịch bay chưa hợp lý; tổ bay, thủ tục hành lý... là điều hoàn toàn có thể khắc phục được. Các hãng hàng không cần tập trung hoàn thiện hệ thống điều hành; rà soát, điều chỉnh giờ bay theo khung giờ, bảo đảm tính chuẩn xác ngay từ khâu lập kế hoạch; rà soát và điều chỉnh quy trình và thời gian phục vụ mặt đất cho từng sân bay, tránh thừa hoặc thiếu thời gian; tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động điều hành khai thác... Nhà chức trách hàng không tăng cường giám sát và tăng chế tài xử phạt, chắc chắn chỉ số OTP sẽ được cải thiện.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 8 tháng qua, chỉ số OTP của Vietjet Air đạt 83%, Jetstar Pacific đạt 79% và Vietnam Airlines đạt 88%. Đây là chỉ số OTP đạt khá cao so với mức bình quân của thế giới là 75% và cao hơn nhiều hãng hàng không các nước lân cận. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.