Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả

Hoàng Sơn| 01/07/2015 06:43

(HNM) - Đi đôi với các hỗ trợ về thủ tục, thời gian, địa điểm, phương thức cho vay... Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã có nhiều nỗ lực hạ lãi suất các chương trình tín dụng ưu đãi, giúp hàng triệu người dân nông thôn có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Khoảng 60.000 hộ nông dân Hà Nội sẽ được hưởng lợi từ chương trình hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.



Tín dụng ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua tăng khá mạnh. Đây là tín hiệu tốt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tạo đà quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giữa các vùng, miền, tiến tới công bằng xã hội.

Từ ngày 5-6-2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số chương trình tín dụng chính sách khác. Cụ thể, lãi suất cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm giảm từ 7,2%/năm (0,6% tháng) xuống còn 6,6%/năm (0,55% tháng). Lãi suất cho vay đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn giảm từ 9,6%/năm (0,8%/tháng) xuống còn 9,0%/năm (0,75%/tháng). Đặc biệt từ ngày 22-6-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg về việc bổ sung kế hoạch tín dụng năm 2015 của Ngân hàng CSXH thêm 3,5%, nâng chỉ tiêu kế hoạch tăng dư nợ tín dụng năm 2015 của Ngân hàng CSXH lên mức 10% so với thực hiện năm 2014, tương đương mức tăng 11.600 tỷ đồng. Với kế hoạch tăng tỷ lệ dư nợ được giao, dự kiến đến 31-12-2015 tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH sẽ đạt mức trên 141.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng được giao tăng thêm phù hợp với Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại (Ba Vì) Bạch Hồng Nam, cho biết, với gần 14 nghìn dân trong đó hơn 40% là dân tộc Mường, tính đến hết 31-3-2015, tổng dư nợ tín dụng chính sách của xã đạt khoảng 20 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Xã hiện có đủ cả 6 chương trình vay vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn vay của người dân chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn, gà, trồng nhãn, vải, đu đủ, ổi, thanh long, chè lai… trong đó có tới 160 trang trại đang hoạt động. Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác của xã thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra nên nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, thực sự góp phần giảm nghèo bền vững. Việc giải ngân cũng như kiểm tra nguồn vốn được tiến hành chặt chẽ, có hệ thống, giám sát định kỳ hằng tháng và hằng quý. Xã đặt lịch thống nhất chung ngày 7 hằng tháng, Tổ điều hành kiểm tra và thu hồi vốn cùng lãi ngay tại điểm giao dịch xã. Nhờ nguồn vốn này, tỷ lệ nghèo của xã giảm bình quân 1 - 3%/năm và trong năm 2015 này, xã Ba Trại đặt chỉ tiêu chỉ còn khoảng 5% số hộ nghèo.

Theo ông Hoàng Liên Sơn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Hà Nội, hiện tổng nguồn vốn của đơn vị đạt gần 5.000 tỷ đồng với 12 chương trình tín dụng. Trong 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH Hà Nội đã giúp cho trên 618 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh... Với việc hạ lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách, từ nay tới cuối năm 2015, sẽ có ít nhất 60.000 hộ được hưởng lợi với số vốn được giải ngân khoảng 1.200 tỷ đồng. Phương châm làm việc của cán bộ Ngân hàng CSXH là vì dân phục vụ, theo giờ giao dịch rất đặc thù của bà con nhân dân, khi nào hết bà con lên làm việc, cán bộ, nhân viên ngân hàng mới hết giờ làm. Có thể thấy, với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận mà là thực hiện chính sách tín dụng của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hệ thống Ngân hàng CSXH tại cơ sở trên địa bàn thành phố đã rất tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.