Trước thông tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị truyền gần 5 lít bia vào dạ dày để cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu nặng, nhiều người hiểu rằng có thể uống bia để giải độc rượu là không đúng và suy nghĩ như vậy rất nguy hiểm.
Bệnh nhân ngộ độc rượu được cứu sống. Ảnh: BVQT |
Đó là khẳng định của BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) trước thông tin nhiều người thắc mắc liệu có phải uống bia có thể giải độc rượu sau sự việc các bác sĩ đã phải dùng tới gần 5 lít bia truyền vào dạ dày kết hợp việc lọc máu để cứu bệnh nhân ngộ độc rượu nguy kịch.
BS Lương Quốc Chính cho biết, đây là một giải pháp “câu giờ” để can thiệp một cách đặc hiệu tích cực hơn, bệnh nhân sống được là nhờ lọc máu. Trường hợp này là bệnh nhân ngộ độc rượu có chứa Methanol (cồn công nghiệp rất độc).
Chất Methanol vẫn tồn tại trong cơ thể chưa được đào thải ra thì vẫn có nguy cơ ngộ độc. Vì vậy, khi đưa chất Ethanol (có trong bia, rượu uống được) vào cơ thể, chất này sẽ tranh chấp với Methanol, đồng thời thẩm tách để loại trừ Methanol ra khỏi cơ thể.
Việc sử dụng Ethanol để giải độc Methanol đã được sử dụng cấp cứu trong trường hợp nguy cấp trên, nhưng không thể coi là một giải pháp, bởi vì nếu dùng rượu không kiểm soát thì dù có đổ đầy rượu vào thì vẫn chết người nếu không lọc máu. Vì vậy, người dân không nên hiểu nhầm việc uống rượu xong có thể uống bia để giải độc.
Cũng theo BS Lương Quốc Chính, điều trị ngộ độc rượu phải bằng cách phát hiện sớm và lọc máu. Đây là giải pháp duy nhất để cứu người bệnh, nhất là những trường hợp bệnh nhân ngộ độc nặng.
Đặc biệt, nếu ngộ độc Ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống Ethanol (bia chẳng hạn) thì người bệnh càng trầm trọng, nhưng nếu ngộ độc Methanol (rượu công nghiệp, cực độc) mà cho người bệnh uống Ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.