(HNM) - Đúng với những gì đã cam kết, dù mới đắc cử chưa đầy hai tuần, tân Thủ tướng Alexis Tsipras đã đưa ra một loạt các chính sách nhằm nới lỏng
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras Nguồn: AP |
Trong một nỗ lực nhằm lôi kéo sự ủng hộ của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) với kế hoạch đàm phán lại, Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras đã thực hiện chuyến công du đầu tiên trong vai trò người đứng đầu Chính phủ tới Síp, Italia, Pháp và Brussels (Bỉ) để gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (từ ngày 2 đến 4-2). Theo các nhà phân tích, lựa chọn đầy toan tính của Thủ tướng A.Tsipras đã phát huy tác dụng. Hy Lạp bước đầu nhận được sự ủng hộ của các nước từng kêu gọi nới lỏng chính sách khắc khổ trong Eurozone.
Tuy nhiên, để đạt được tham vọng, người đứng đầu nội các Hy Lạp A.Tsipras còn phải vượt qua rất nhiều vấn đề. Trước tiên phải kể đến là Đức, một đầu tàu kinh tế Châu Âu và cũng là quốc gia kiên quyết duy trì các biện pháp khắc khổ nhằm đưa khu vực ra khỏi nợ nần. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng không ngần ngại tuyên bố sẵn sàng để Hy Lạp rời khỏi Eurozone nếu nước này thực thi những chính sách đi ngược với các điều kiện thắt chặt chi tiêu như đòi hỏi của bộ ba chủ nợ gồm Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Lập trường cứng rắn của Thủ tướng A.Merkel cũng nhận được sự đồng tình của Chủ tịch EC J.Juncker khi ông khẳng định, EU chỉ sẵn sàng đáp ứng một số chính sách nhất định chứ không thay đổi mọi quy tắc để làm hài lòng Athens.
Điều đáng lo ngại là nếu không đạt thỏa thuận được với các chủ nợ, Hy Lạp sẽ không nhận được khoản giải ngân tiếp theo trị giá gần 8 tỷ euro trong gói cứu trợ tài chính quốc tế dành cho Athens. Trong bối cảnh các khoản nợ sắp đáo hạn và việc phát hành trái phiếu mới của Bộ Tài chính Hy Lạp cần huy động thêm tiền, Athens sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài chính trong vài tháng tới. Nếu vỡ nợ, xứ sở của Các vị thần sẽ rơi vào hỗn loạn, các ngân hàng của Hy Lạp phá sản, hàng loạt công ty giải thể, tình trạng thất nghiệp tăng cao, lạm phát tăng vọt… Và người dân sẽ lâm vào cảnh nghèo đói; đồng thời kéo theo đó bất ổn xã hội sẽ leo thang.
Dĩ nhiên, một Hy Lạp đổ vỡ không phải là tin tốt lành với nền kinh tế đang trong tình trạng mong manh của EU. Trong trường hợp kịch bản Grexit - Hy Lạp rời Eurozone - diễn ra, nhiều nhà kinh tế cho rằng thị trường tài chính Châu Âu và toàn cầu sẽ rơi vào hoảng loạn. Thậm chí, các diễn biến tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn so với những ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) - điểm khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong đó, các quốc gia thành viên Eurozone sẽ là nạn nhân đầu tiên vì đồng tiền chung bị phá vỡ, hệ thống ngân hàng đình trệ và nền kinh tế khu vực rơi vào khủng hoảng mới.
Thế nhưng, xóa nợ cho Hy Lạp cũng không hề đơn giản vì sẽ tạo điều kiện cho những nước "chung cảnh" như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và Italia sẽ nhân cơ hội này đòi được xóa nợ. Và như vậy sẽ làm sụp đổ lòng tin thị trường và kéo "bóng ma" khủng hoảng nợ công trở lại Cựu lục địa. Chưa kể, sự đổ vỡ lòng tin giữa các nước thành viên sẽ khiến EU khó khăn hơn trong duy trì sự thống nhất và đoàn kết nội khối. Hay nói một cách khác, EU chỉ có thể thực sự vận hành có hiệu quả nếu tất cả thành viên cùng tôn trọng các cam kết tài chính và tuân thủ quy định chung. Niềm tin này bị phá vỡ - nếu xứ sở Các vị thần là điểm xuất phát - các thương lượng thỏa thuận trong tương lai sẽ rất khó khả thi. Rõ ràng, câu chuyện cơm áo gạo tiền hiện nay tại nơi ngự trị của Các vị thần là một bài toán bí ẩn đang khiến cả Châu Âu đau đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.