Bạn có thể sẽ mất nhiều năm để khám phá hết những điểm đến kỳ thú của Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy nhưng làm sao đây khi bạn chỉ có một tuần? Cố đô Edirne hẳn sẽ nằm trong bản danh sách rút gọn của bạn.
Thành phố đã chứng kiến 16 trận đánh và 4 đế chế phát triển rồi sụp đổ trong lịch sử hơn 1.900 năm của mình. Điều đó ít nhiều nói lên tầm quan trọng của đô thị cổ kính này.
Trầm tích văn hóa
Edirne nằm ở vùng đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ, tại mảnh đất được thần thoại Hy Lạp gọi là “xứ Thrace”. Thành phố nằm cạnh vị trí hợp lưu của ba dòng sông Tundzha, Maritsa và Arda.
Edirne cách thành phố Istanbul hơn 200km, nằm gần biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Bulgaria, vậy nên đa số du khách chọn cách bay đến sân bay Istanbul hay sân bay Sofia (Bulgaria) rồi đi xe buýt đến Edirne. Một số ít thích ngắm cảnh lại mua vé tàu, trong đó chuyến tàu từ Villach (Áo) đến Edirne kéo dài 33 tiếng, nổi tiếng vì các thắng cảnh mà tàu đi qua.
Edirne nằm trong số các thành phố Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu nhiều thánh đường Hồi giáo nhất. Nổi tiếng nhất phải là Thánh đường Selimiye, di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2011.
Selimiye được thiết kế bởi “bậc thầy” kiến trúc Mimar Sinan (1488 - 1588) và nổi tiếng nhờ sở hữu bốn tòa tháp duyên dáng, cũng là biểu tượng của Edirne. Dưới mái vòm vĩ đại của Thánh đường là nội điện được trang trí bằng gạch hoa và những bức tranh thư pháp vẽ trên tường. Nhờ có đến 999 cửa sổ mở mà lúc nào bên trong Thánh đường cũng rực sáng, còn những đường nét trang trí trên tường, trên sàn trông vô cùng sống động. Ngoài những giờ cầu nguyện, Thánh đường Selimiye mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người.
Lịch sử của Edirne bắt đầu vào năm 125 sau Công nguyên, khi hoàng đế Hadrian ra lệnh xây dựng thành phố Hadrianopolis. Hiện nay, ở Edirne chỉ có một số ít dấu tích còn lại từ thời thành phố vẫn còn mang tên Hadrianopolis, đơn cử như khu di tích Makedonya Kulesi. Nơi đây vốn là một pháo đài được xây dưới thời Hadrian vào thế kỷ II nhằm canh giữ tuyến đường ra vào xứ Macedonia.
Bởi vì giá trị chiến thuật của công trình này, nơi đây đã chứng kiến không ít trận chiến ác liệt. Tuy vậy, một trận động đất xảy ra vào năm 1953 đã phá hủy gần như toàn bộ pháo đài, chỉ còn lại một tòa tháp canh và đoạn tường thành. Bên cạnh di tích là bảo tàng trưng bày các hiện vật liên quan đến lịch sử pháo đài.
Di tích Makedonya Kulesi nằm cách không xa khu phố cổ của Edirne, hay còn gọi là khu Kaleiçi, tức là “nội thành”. Tên gọi này có từ khi Edirne còn là thành phố nhỏ nằm gọn trong bốn bức tường thành. Kaleiçi bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn vào thế kỷ XIX rồi được xây dựng lại hoàn toàn. Tất cả những ngôi nhà bằng gỗ đẹp mắt tại Kaleiçi đều được xây dựng trong cuộc tái thiết kể trên. Chỉ có một ít công trình tại đây còn lại sau trận hỏa hoạn, đơn cử như nhà tắm công cộng Sokullu Mehmet Paşa Hamamı. Công trình này là một tác phẩm khác của Mimar Sinan và vẫn tiếp tục mở cửa đón khách.
Quê hương của lễ hội
Tại Edirne có hai khu chợ có mái vòm (bazaar) mà du khách không nên bỏ qua. Đầu tiên là chợ Arasta nằm ngay cạnh Thánh đường Selimiye. Thứ hai là chợ Ali Pasha nằm trên con phố đi bộ Saraçlar. Edirne là trung tâm thương mại lớn của Nam Âu, và khách đi chợ sẽ dễ dàng tìm thấy vô vàn mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và các nước Balkan.
Tuy vậy, các món hàng được du khách ưa chuộng nhất vẫn là sản phẩm địa phương. Có thể kể đến những cây chổi đẹp mắt vốn được người địa phương mua về để làm của hồi môn cho con gái và nay trở thành thứ đồ nội thất trang trí nổi tiếng, hay những thanh xà phòng mang mùi hoa quả và được đóng thành hình quả chuối, quả táo...
Các món ăn làm từ gan lợn và gan cừu là đặc sản của Edirne. Thay vì những xe bán thịt nướng kebab thì ở Edirne có những xe bán gan rán ăn cùng với bánh mì và ayran (một loại sữa chua uống cổ truyền). Món gan rán nổi tiếng đến mức chính quyền thành phố tổ chức Lễ hội âm nhạc và gan rán vào cuối tháng 4 hằng năm.
Edirne có truyền thống quân nhạc lâu đời, và trong thời gian diễn ra lễ hội, các đội âm nhạc từ các quốc gia Nam Âu tổ chức biểu diễn gần như liên tục trên những con phố Edirne. Thế rồi vào ngày cuối cùng của lễ hội, thành phố sẽ mở tiệc gan rán trên phố Saraçlar, phân phát miễn phí hơn 1 tấn gan rán chỉ trong một ngày. Vào lễ hội năm 2018, các đầu bếp địa phương đã đoạt kỷ lục Guinness thế giới khi rán tận 600kg gan cừu trong một chiếc chảo khổng lồ.
Edirne còn là quê hương của bộ môn đấu vật yağlı güreş truyền thống. Điểm đặc biệt là hai đô vật phải bôi dầu oliu lên toàn bộ cơ thể rồi mới thi đấu. Một trận đấu có thể kéo dài đến 40 phút và mang một chút gì đó hài hước chứ không chỉ là cuộc thi đấu thể thao đơn thuần, vì vậy mà ngày càng có nhiều người nước ngoài lựa chọn tập luyện yağlı güreş. Giải đấu vật yağlı güreş lớn nhất trong năm được tổ chức tại sân vận động Kırkpınar, Edirne, vào cuối tháng 6 hằng năm.
Nếu du khách muốn dành kỳ nghỉ hè ở Edirne thì nên đến với thành phố này vào đầu tháng 5 khi hai lễ hội Hıdırellez và Kakava diễn ra.
Hıdırellez là lễ hội Hồi giáo, Kakava là lễ hội của người Di-gan. Hai lễ hội theo thời gian đã hòa nhập với nhau và hiện được coi là lễ hội mở đầu mùa xuân. Trong thời gian diễn ra hai lễ hội, các nghệ sĩ địa phương và quốc tế sẽ tổ chức biểu diễn múa hát, khiêu vũ trên khắp các con phố, đặc biệt là khu vực bờ sông Tundzha, nơi trồng nhiều cây hoa hồng (Hıdırellez gắn liền với một truyền thuyết liên quan đến cây hoa hồng). Đến tối, người dân sẽ đốt những đống lửa lớn mà theo quan niệm Di-gan, đó là cách để đón chào mùa xuân. Ước tính mỗi năm có khoảng 10.000 lượt khách nước ngoài đến Edirne để tham gia hai lễ hội Hıdırellez và Kakava.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.