(HNM) - Nhiều người dân vẫn ăn ở, sinh hoạt bình thường trong các khu nhà tập thể này. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Đơn nguyên 3 tập thể Bộ Tư pháp (bên phải) bị nghiêng và được đánh giá nguy hiểm cấp độ D. Ảnh: Dân Việt. |
Nguy hiểm rình rập
Năm 2016, căn cứ kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư cũ hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố của Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 2000/UBND-XDGT ngày 25-4-2016 về việc tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sử dụng, sở hữu tại đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A Thành Công (phường Thành Công), đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh), đơn nguyên 1 và 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị). Cả ba công trình nguy hiểm này đều thuộc quận Ba Đình và cùng có chung đặc điểm, được xây dựng từ trước năm 1989 có từ 2 đến 3 đơn nguyên, nhiều năm không được bảo trì, trong khi tình trạng cơi nới chuồng cọp quá nhiều, cộng thêm lún nứt tự nhiên đã khiến các đơn nguyên tách rời nhau. Khoảng cách tách rộng nhất giữa các tòa nhà từ 1 đến 1,2m.
Thực hiện quyết định của thành phố, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc quận và UBND các phường thông báo thông tin, công khai toàn bộ các văn bản pháp lý và chính sách hỗ trợ, tuyên truyền vận động các hộ dân tại các chung cư nguy hiểm tự tháo dỡ các phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng tới kết cấu và tải trọng công trình. Đồng thời thành lập Hội đồng tổ chức di dời các nhà chung cư có nguy cơ sụp đổ.
Việc tạm cư các hộ dân cũng đã được UBND thành phố bố trí tại các quỹ nhà gồm: Lô E Khu đô thị (KĐT) Yên Hòa (quận Cầu Giấy), nhà A1 - A2 - X2 Phú Thượng (quận Tây Hồ), nhà CT1 KĐT thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm). Chính quyền các phường có nhà nguy hiểm đã tổ chức đưa người dân đi tham quan các địa điểm tạm cư và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Trong khi 42/42 hộ dân ở đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị) đồng ý về tạm cư tại Lô E KĐT Yên Hòa, thì chỉ có 5/49 hộ dân nhà G6A Thành Công và 2/27 hộ dân đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh đồng ý nhận phương án tạm cư. Tuy nhiên, đến nay cả người dân đã đồng ý phương án tạm cư cũng như chưa đồng ý vẫn đang sinh sống bình thường tại các khu nhà tập thể nguy hiểm này.
Vì cách hiểu chưa đúng?
Qua khảo sát thực tế, được biết hầu như các hộ dân đều đồng tình với chủ trương của thành phố về việc cần phải xây dựng lại các nhà chung cư cũ xuống cấp. Tuy nhiên, một số người dân thắc mắc với kết quả xác định các nhóm đơn nguyên chung cư mức độ nguy hiểm của Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội chưa có sự tham gia của các hộ dân để bảo đảm tính khách quan. Do vậy, đề nghị đưa đơn vị kiểm định độc lập, có sự tham gia chứng kiến của các hộ dân để đánh giá chất lượng hiện trạng công trình. Người dân cũng đề nghị được tiếp xúc với nhà đầu tư trước khi thực hiện di dời để biết thời gian xây dựng lại, hệ số tái định cư, các chính sách hỗ trợ kèm theo…
Giải đáp thắc mắc của các hộ dân, Sở Xây dựng cho biết: “Trường hợp các hộ dân không nhất trí với kết quả kiểm định trước đây thì việc tổ chức kiểm định lại cần có sự đồng thuận bằng biên bản của các hộ dân, tổ dân phố và phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định của đơn vị do mình đề xuất, lựa chọn”. Còn đề nghị được tiếp xúc với nhà đầu tư và biết các hệ số tái định cư, chính sách hỗ trợ đi kèm… xem ra khó khả thi. Bởi cho đến nay, chưa có nhà đầu tư nào quan tâm đến việc xây lại nhà G6A Thành Công và đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp. Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh đã có Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam khảo sát đo đạc. Nhưng là để thực hiện một dự án lớn cải tạo 5 nhà chung cư cũ (nhà A - B - D1 - D2 - D3) Ngọc Khánh chứ không riêng đơn nguyên 1 nhà A. Riêng phường Cống Vị khả thi hơn, sau thời gian tuyên truyền, vận động, thuyết phục, các hộ dân đã nhận phương án tạm cư, bốc thăm căn hộ.
Có thể thấy, việc di dời người dân khỏi chung cư nguy hiểm cấp độ D chậm trễ đến cả năm trời bởi cách hiểu chưa đúng giữa di dời khẩn cấp và giải phóng mặt bằng xây dựng cải tạo chung cư cũ. Trường hợp khẩn cấp, sẽ phải di dời ngay để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khỏi nhà nguy hiểm có nguy cơ đổ sập. Sau đó người dân vẫn có đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm tham gia lựa chọn nhà đầu tư, kiến nghị các ưu đãi tái định cư… Chứ không phải chờ thống nhất được tái định cư mới đi tạm cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.