(HNM) - Năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện đồng bộ các chương trình về việc làm, phát triển thị trường lao động, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ, Quốc hội giao.
Đây là nội dung đáng chú ý tại hội nghị trực tuyến đánh giá thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Bộ LĐ-TB&XH diễn ra ngày 13-1.
Năm 2016, cả nước đã tạo việc làm mới cho hơn 1,64 triệu người. Ảnh: Nhật Nam |
Bên cạnh kết quả tích cực là khó khăn
Theo thống kê, tính chung năm 2016, cả nước đã tạo việc làm mới cho hơn 1,64 triệu người, tăng 1% so với năm trước (trong đó 1,5 triệu người có việc làm trong nước), góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của LĐ xuống còn 2,3% (khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,86%). Bên cạnh phát triển thị trường LĐ và tạo việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người LĐ, nhất là công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Theo báo cáo của các địa phương, cả năm 2016 có 574.310 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 12,06% so với cùng kỳ năm 2015; số người có quyết định hưởng TCTN là 566.820 người, tăng 11,11% so với cùng kỳ năm 2015; số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 877.718 lượt người; số người được hỗ trợ học nghề là 27.642 người.
Dù hoàn thành chỉ tiêu đề ra, nhưng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho thanh niên, sinh viên mới ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo tổng hợp thống kê trong quý III-2016 cả nước có 202.300 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Rõ ràng, công tác tuyển sinh học nghề, phân luồng học sinh còn nhiều hạn chế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề ở mức thấp... dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ người LĐ làm trái chuyên môn còn cao.
Xây dựng hệ thống thông tin chuẩn
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, để tạo được nhiều việc làm hơn nữa trong năm 2017 cũng như các năm tiếp theo, nhất thiết các địa phương cần đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm giai đoạn 2016-2025; đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp dịch vụ việc làm; tăng cường kết nối cung - cầu LĐ và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường LĐ. Các địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các phiên giao dịch việc làm với tần suất tăng dần và hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu, trong năm 2017, Ngành LĐ-TB&XH cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành liên quan nhằm thu thập, sàng lọc để có số liệu chính xác, thực chất về số lao động được tạo việc làm mới hằng năm, từ đó có những chính sách thúc đẩy công tác giải quyết việc làm. Phó Thủ tướng nêu rõ, các số liệu về LĐ, việc làm chủ yếu vẫn thông qua Tổng cục Thống kê. Bản thân Ngành LĐ-TB&XH chưa tự nắm được số liệu chính xác do đó còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Ngành phải tự kiểm tra, thống kê số liệu của Ngành, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn.
Về vấn đề đào tạo nghề, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong số 54 triệu LĐ chỉ có 21% LĐ có bằng hoặc chứng chỉ trở lên, còn lại chủ yếu là LĐ chưa qua đào tạo nghề. Song, kết quả thống kê lại cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của LĐ trình độ cao đẳng cao nhất, chiếm 6,8%, trình độ đại học chiếm 6,3%. Đây là nghịch lý, là thách thức không nhỏ cho Ngành LĐ-TB và XH. Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phải mạnh dạn đổi mới toàn diện, đặc biệt khi Ngành được giao quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, trước đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên và người LĐ. Đồng thời, các sàn giao dịch việc làm cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút được nguồn LĐ phù hợp để phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết việc làm. Tuy nhiên, tạo việc làm tại chỗ cho người LĐ, đặc biệt là đối với thanh niên, sẽ là một ưu tiên trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực trẻ thời gian tới. Hưởng ứng chủ trương Quốc gia khởi nghiệp, năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với UBND các cấp triển khai mục tiêu này và coi đây là một khâu đột phá, là vấn đề ưu tiên trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH cũng cho rằng: Thanh niên, sinh viên cần tiếp cận những tư duy mới, đó là không phải cứ đứng trong cơ quan nhà nước, trong công xưởng, nhà máy mới là việc làm, mà quan trọng nhất mỗi người hãy tìm cho mình những công việc, những việc làm chính đáng có thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống tăng thu nhập cho gia đình.
Dự hội nghị trực tuyến, tại đầu cầu Hà Nội, ông Khuất Văn Thành - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, dân số Hà Nội có khoảng 7,5 triệu người, cộng thêm 2 triệu LĐ đến từ các tỉnh, thành khác. Đây là thách thức cho Hà Nội để giải quyết việc làm cho người LĐ, ổn định cung cầu. Năm 2016, thông qua các sàn giao dịch việc làm, các doanh nghiệp đã tuyển dụng được trên 25.000 LĐ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho 39.000 LĐ được vay vốn học nghề và giải quyết việc làm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.