(HNM) - Các vùng an toàn mà Nga đề xuất thiết lập trên lãnh thổ Syria, nơi không có chiến sự giữa quân chính phủ và phe nổi dậy đã bắt đầu có hiệu lực. Đây được coi như một cơ hội để giúp giảm tình trạng bạo lực kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Thỏa thuận thành lập vùng an toàn tại Syria có hiệu lực là một bước đột phá trong tiến trình mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. |
Theo Bộ Quốc phòng Nga, vùng an toàn đầu tiên và lớn nhất là tại miền Bắc Syria bao gồm tỉnh Idlib và những quận liền kề các thành phố Latakia, Aleppo và Hama với tổng số dân hơn 1 triệu người. Tại ranh giới các vùng giảm căng thẳng sẽ thành lập các khu vực an toàn, nơi đặt các trạm kiểm soát người dân ra vào, phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo và các điểm giám sát ngừng bắn. Lực lượng chính phủ và phe nổi dậy sẽ không được phép gây chiến với nhau hay thực hiện các cuộc không kích trong các khu vực này. Biện pháp trên tạm thời tồn tại trong 6 tháng và khả năng sẽ được kéo dài thêm 6 tháng nữa.
Thực tế, ý tưởng tạo ra vùng an toàn cho Syria từ lâu đã được Thổ Nhĩ Kỳ, nước hậu thuẫn chính cho quân nổi dậy Syria, nêu ra và cũng được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập. Trong nhiều tháng qua, đề xuất này bị Chính phủ Syria phản đối. Song, Nga đồng minh chính của Damascus, lại không hoàn toàn phủ nhận ý tưởng này, đặc biệt khi một số quan chức Nga cũng đã nói về khả năng liên bang hóa Syria nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, sự can dự của Mátxcơva trong bất cứ thỏa thuận nào đều đáng tin cậy. Nhà lãnh đạo Syria cũng nhận thấy rằng, để cuộc xung đột bắt đầu bước sang năm thứ 7 chấm dứt, những vùng phi chiến sự là giải pháp tốt để giảm bớt đối đầu giữa quân đội Syria và quân nổi dậy. Việc thiết lập các vùng an toàn không có nghĩa rằng cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra và các nhóm cực đoan khác sẽ ngừng lại. Mà ngược lại, động thái này cho phép Syria giải phóng thêm nguồn lực để chống khủng bố. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Syria đã lên tiếng ủng hộ việc thiết lập những khu vực phi chiến sự.
Quyết định trên cũng lập tức nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc đã hoan nghênh việc thiết lập các khu vực không có xung đột. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng rằng đề xuất trên sẽ cải thiện cuộc sống của người dân Syria. Trong khi đó, Mỹ đã hoan nghênh một cách thận trọng kế hoạch của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Washington hy vọng thỏa thuận sẽ giúp ngăn chặn bạo lực, đồng thời mong muốn tiếp tục đối thoại với Nga về những nỗ lực để có thể giải quyết một cách có trách nhiệm cuộc xung đột Syria. Sự đồng thuận lớn giữa Nga và Mỹ cùng các bên liên quan như Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran giúp mang lại cơ hội lớn để thỏa thuận được thực thi một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là việc thỏa thuận này không nhận được sự ủng hộ của nhóm đối lập Syria. Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC), đại diện phe đối lập chính tại Syria đã lên tiếng chỉ trích đề xuất lập vùng an toàn khi đặt câu hỏi về tính toàn vẹn lãnh thổ của Syria và gạt bỏ viễn cảnh chuyển tiếp chính trị tại Damascus. Ngoài ra, phe đối lập cũng nghi ngờ sự chân thành của Nga và lên án thực tế rằng Iran là một bên bảo lãnh của thỏa thuận. Đại diện phe đối lập Syria đã rời khỏi bàn đàm phán tại Astana và tỏ thái độ giận dữ do phản đối sự tham dự của Iran. Các nhà phân tích cho rằng, sự bất hợp tác của phe đối lập có thể khiến các bên trong cuộc xung đột xem đây là “cái cớ” để tiêu diệt IS hay Al-Qaeda để vi phạm lệnh ngừng bắn. Đến lúc đó, thỏa thuận này có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn thất bại như những lệnh ngừng bắn đạt được trước đó tại Syria.
Dẫu vậy, sau khi thỏa thuận thành lập vùng an toàn ở các khu vực chủ yếu do phe đối lập nắm giữ bắt đầu có hiệu lực, sự yên tĩnh tương đối đã trở lại ở phần lớn Syria. Chưa rõ thỏa thuận trên sẽ hiệu quả đến đâu, nhưng một số nhà quan sát đã có cái nhìn lạc quan hơn đối với biện pháp mới nhất này, coi đây là một bước đột phá trong tiến trình đem lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.