Theo dõi Báo Hànộimới trên

”Buộc” chỗ nào, ”thắt” ở đâu?

Nữ Quỳnh| 20/10/2012 05:27

(HNM) - Trước thông tin Bộ Tài chính sẽ đề xuất không tăng lương cơ bản vào năm 2013 đã khiến không ít người là lao động làm công ăn lương hụt hẫng!

Xét trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì chính sách "thắt lưng buộc bụng" dường như được nhiều người, nhiều gia đình lựa chọn, điều này thậm chí đúng với cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, vì thế mà đề nghị "hoãn tăng lương" không phải không có lý. Song cũng nhìn từ những khó khăn chung ấy mà suy ra đời sống của người lao động, của đa số dân nói chung, thì rõ ràng còn có nhiều điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, do ngân sách tới đây vẫn còn nhiều khó khăn, Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình (từ ngày 1-5-2013). Báo cáo thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã đặt ra ba mục tiêu cho năm 2013: Ổn định kinh tế vĩ mô, kích hoạt nền kinh tế, tăng tiêu dùng.

Vấn đề chính ở đó, để đạt mục tiêu kích hoạt kinh tế, tăng tiêu dùng nhưng lại hoãn tăng lương thì lấy gì mà "kích hoạt"? Dễ dàng nhẩm tính với mức thu nhập của một công chức bậc trung hiện nay rơi vào khoảng từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi có đủ thứ phải lo như chi phí ăn uống sinh hoạt của gia đình, học hành của con cái, các chi phí xã hội khác… Khoản lương kia với người ở tốp trên nếu tính toán tốt có thể tạm ổn, nhưng với người ở tốp dưới thì có cố "buộc bụng" cũng chẳng đủ. Thực tế, mức tiêu dùng trong xã hội đang giảm mạnh và đây cũng là hệ quả từ việc túi tiền của người dân đang ngày càng rỗng hơn. Trong mỗi công sở, xí nghiệp hay ngoài xã hội không khó để bắt gặp những than thở về chuyện giá cả đắt đỏ, thu nhập không đủ chi tiêu trong mỗi gia đình.

Phải khẳng định, việc tăng lương là một bước trong lộ trình cải cách tiền lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội và trợ cấp, ưu đãi người có công. Điều này đã được kết luận từ Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) và Hội nghị Trung ương 6 (khóa X). Về nguyên lý, tiền lương là để bù đắp hao phí, tái tạo sức lao động. Bộ luật Lao động sửa đổi mới được Quốc hội thông qua cách không lâu, có hiệu lực đúng ngày 1-5-2013, cũng đã xác định: Mức lương tối thiểu là "mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong những điều kiện bình thường" và "phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ". Để đi đến quyết định này chắc chắn các cơ quan nghiên cứu cũng có những căn cứ, cơ sở thẩm tra nhất định. Nói cho cùng, cũng như trong kinh doanh, muốn tăng bán hàng thì phải kích thích, hỗ trợ người mua, càng trong lúc khó khăn càng cần có những khuyến khích mạnh mẽ người dân tiêu dùng. Tăng lương cho người lao động cũng đồng nghĩa là tăng đầu tư trực tiếp cho người lao động tái đầu tư vào xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định "không có tiền lấy gì mà tiêu". Rõ ràng việc tăng lương tối thiểu là điều không thể đặng đừng, vì lương chính là cứu cánh, là một nhu cầu thiết yếu của người lao động. Tăng lương là điều kiện để có thể tăng kích thích tiêu dùng. Có thể trong tình hình khó khăn, chúng ta chưa thực hiện đúng theo lộ trình vào ngày 1-5-2013, nhưng phải điều chỉnh vào một thời điểm thích hợp, càng sớm càng tốt. Thay vì chưa tăng lương, Chính phủ nên cân đối ngân sách, làm sao bảo đảm cải cách tiền lương cho cán bộ, viên chức đúng lộ trình, thúc đẩy tăng năng suất, hiệu quả lao động, tăng kích thích người dân đưa tiền ra lưu thông, cắt bớt dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết cũng như giảm tối đa vốn trì trệ trong các dự án. Tức là, việc "thắt" ở đâu, "buộc" chỗ nào là điều cần phải được tính toán kỹ. Việc đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu vào thời điểm này phải được cân nhắc hết sức thận trọng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
”Buộc” chỗ nào, ”thắt” ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.