Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng

Hà Phong| 04/11/2017 07:02

(HNM) - Chiều 3-11, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017.

Tăng tốc, phát triển nhiều mặt

Theo Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, trước buổi họp báo, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10 với nội dung trọng tâm là thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017. Tin vui đầu tiên mà Thủ tướng thông báo tại phiên họp là Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, từ 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế.

Lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc



Cùng với đó, Moody's đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Trong tháng 10, kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Đặc biệt, có tới 105.000 doanh nghiệp thành lập mới. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 97% số doanh nghiệp mới có doanh thu và nộp thuế.

Bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng, nhưng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ không bằng lòng với những gì đạt được. Theo đó, Thủ tướng đề nghị thời gian tới, tập thể Chính phủ có các giải pháp bảo đảm Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra an toàn. Các địa phương liên quan tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt, nhất là chủ động ứng phó thành công với cơn bão số 12 đang cận kề. Một nhiệm vụ hàng đầu nữa là chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại 2 tháng cuối năm vì khối lượng công việc còn rất lớn.

Về tiền tệ, tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình, điều hành linh hoạt hơn, kiểm soát tốt lạm phát, không để tỷ giá biến động mạnh, nhất là dịp cuối năm; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu. Thủ tướng đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấn chỉnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư - một điểm yếu trong chỉ đạo, điều hành và cũng là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu đặt ra là phải giải ngân hết vốn đầu tư 2017, nếu không giải quyết được thì kiên quyết cắt giảm các công trình giải ngân chậm để ưu tiên bố trí cho các công trình quan trọng, cấp bách khác. Lưu ý Tết Nguyên đán sắp cận kề, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thực hiện tốt kế hoạch sản xuất ngay từ thời điểm này không để tình trạng “cuối năm thì dồn dập mà đầu năm thì đủng đỉnh”.

Về nội dung phiên họp của Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong 10 tháng qua, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể vẫn còn nhiều. Tình trạng chi phí không chính thức còn cao, Thủ tướng yêu cầu rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, phân bón kém chất lượng, nhất là tình trạng hàng hóa sản xuất nước ngoài dán nhãn mác trong nước, gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Thủ tướng cũng đề nghị cần khắc phục ngay tồn tại, bất cập mà một số đại biểu Quốc hội đã nêu ra chứ không phải chờ đến khi có nghị quyết, ví dụ như vấn đề trẻ em dưới 6 tháng tuổi phải đóng tiền xây dựng nghĩa trang hay tình trạng phí chồng phí…

Chưa bàn việc hợp nhất một số bộ, ngành

Tại buổi họp báo, vấn đề sáp nhập bộ, ngành cũng được báo chí đặt ra khi mới đây có đại biểu Quốc hội đề nghị hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, về nguyên tắc sẽ rà soát lại theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì vì hiện nay có rất nhiều nhiệm vụ còn chồng chéo. “Chẳng hạn, với cấp tỉnh có thể xem xét sáp nhập văn phòng HĐND, UBND tỉnh. Đối với việc hợp nhất một số bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, Chính phủ chưa bàn vì đó mới là lộ trình” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cũng tại buổi họp báo, phóng viên nêu câu hỏi liên quan việc thanh tra tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, việc xử lý của UBND tỉnh này sau kết luận thanh tra. Nội dung trả lời của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam không đi thẳng vào câu hỏi, ông chỉ cho biết, cơ quan thanh tra "ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình". Về tiến độ xử lý, theo ông Bùi Ngọc Lam, UBND tỉnh Yên Bái phải báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30-11. Trên cơ sở báo cáo của tỉnh Yên Bái, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra, đánh giá cụ thể.

Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, liên quan nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Luật Phòng, chống tham nhũng và các pháp luật khác có điều chỉnh, nhưng chưa hết. Trao đổi thêm với báo chí sau khi kết thúc họp báo, ông Bùi Ngọc Lam cho biết, trước năm 2013, pháp luật chỉ quy định về kê khai trung thực, đúng với tài sản của mình. Từ năm 2013 trở lại đây, pháp luật mới quy định người có trách nhiệm kê khai phải giải trình sự tăng, giảm tài sản, thu nhập đó. “Nếu là tài sản tham nhũng được tòa tuyên thì xử lý theo quy định. Còn trường hợp có sự chênh lệch tài sản mà chưa giải trình được thì xử lý thế nào? Vấn đề này pháp luật hiện chưa quy định. Cho nên, tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ trình Quốc hội hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nội dung này” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.