Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) trong đó chỉ ra nhiều vướng mắc, rào cản đồng thời đưa ra “tối hậu thư” mạnh mẽ cho nhà đầu tư nếu không triển khai thu phí tự động sẽ dừng thu phí.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (đã lắp đặt và vận hành thương mại) và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án (vận hành thương mại được 4 trạm và 14 trạm còn lại đang triển khai trong năm nay).
Thu phí tự động không dừng liên tục bị chậm tiến độ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Dự án giai đoạn 2 có tổng số 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác dự kiến lắp đặt và vận hành các trạm trong năm 2019.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, dự án BOT đang gặp nhiều vướng mắc về lượng phương tiện dán thẻ thu phí tự động và sử dụng dịch vụ thấp, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông và ngân hàng còn hạn chế.
Cụ thể, hiện mới chỉ có khoảng 700.000 trong tổng số trên 3,5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ; tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% lượng phương tiện đã dán thẻ.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, hiện chưa có quy định bắt buộc phương tiện không dán thẻ không được đi vào làn thu phí tự động dẫn đến việc có phương tiện dán thẻ đi qua làn ETC vẫn phải dừng chờ phương tiện chưa dán thẻ.
Mặt khác, chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ.
Bên cạnh đó, các hợp đồng BOT đã ký trước đây không có chủ trương áp dụng thu phí không dừng, để triển khai hệ thống ETC cần ký phụ lục hợp đồng BOT đối với tất cả các nhà đầu tư BOT. Hơn nữa, hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể nên phát sinh nhiều vướng mắc trong đàm phán làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ngoài ra, theo Bộ Giao thông Vận tải, ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án còn quan ngại trong trường hợp phương án trích trực tiếp từ doanh thu các dự án BOT nếu chậm thực hiện sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính dự án thu phí tự động dẫn đến công tác giải ngân cho dự án ETC còn chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện việc dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ ETC đối với các phương tiện thuộc diện thu phí do bộ, ngành, địa phương quản lý.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ đôn đốc, chỉ đạo các nhà đầu tư BOT bàn giao trạm đang thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện thu phí ETC; dừng thu phí khi nhà đầu tư BOT không ký phụ lục hợp đồng BOT với Bộ về triển khai dịch vụ thu phí không dừng, hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp dịch vụ... trước ngày 31-8-2019 và không triển khai dịch vụ thu phí không dừng tại trạm thu phí trước ngày 31-12-2019.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành các quy định nghiêm cấm các phương tiện chưa dán thẻ đi vào các làn ETC và chỉ được đi làn thu phí một dừng hoặc làn thu phí hỗn hợp; công khai, minh bạch công tác thu phí thông qua kết nối, cung cấp dữ liệu thu phí ETC nếu các bộ, ngành có nhu cầu và có đề xuất được kết nối để theo dõi, giám sát hoạt động thu phí.
Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng đối với việc thanh toán dịch vụ thu phí tự động không dừng; chỉ đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục giải ngân cho dự án thu phí tự động không dừng để hoàn thành đúng tiến độ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.