Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồi đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng

Thanh Thủy| 01/01/2019 01:14

(HNM) - “Hai Quy tắc ứng xử đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai đồng bộ, bước đầu đạt kết quả tích cực” - đó là sự ghi danh trong top 10 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao Hà Nội tiêu biểu năm 2018.

“Thiết thực và gần gũi” là cảm nhận của số đông người dân khi tiếp cận nội dung Quy tắc ứng xử. Ảnh: Bá Hoạt


Từ quy ước đến hành động

Đã có không ít băn khoăn trong thời gian Hà Nội thí điểm thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội (Quy tắc ứng xử) trước khi chính thức lan tỏa trên toàn thành phố vào quý I-2017. Thế nhưng, nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thủ đô ngay trong năm đầu triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử đã chứng minh điều ngược lại. Hàng loạt mô hình hay, phong trào tích cực được triển khai sâu rộng từ công sở tới cộng đồng, như: “Ứng xử đúng mực, thái độ tận tâm, tinh thần tận tụy”; “Nói lời hay, cử chỉ đẹp”...

Đặc biệt, năm 2018 được đánh giá là thời điểm “bùng nổ” các sự kiện, hoạt động sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả vận dụng Quy tắc ứng xử vào cuộc sống. Hơn 30 nghìn sổ tay Quy tắc ứng xử được phát hành; 1.000 tin, bài, chuyên trang, chuyên mục về việc thực hiện Quy tắc ứng xử được đăng tải; gần 40 cuộc tọa đàm, hội thi được tổ chức như Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng TP Hà Nội; cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử văn minh, thanh lịch”…, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền Quy tắc ứng xử.

Ông Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Giám đốc Đài Phát thanh -Truyền hình Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cho biết: Dù là cuộc thi mới mẻ với đề tài nhiều thách thức cùng thời gian triển khai khá gấp gáp song Giải Báo chí đã nhận được gần 300 tác phẩm tham dự với chất lượng bảo đảm. Các tác phẩm được trao giải thể hiện khả năng tìm tòi, sáng tạo, sự đầu tư công phu để có thể truyền tải sâu đậm nội dung, đi đến tận cùng vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử là giải pháp đổi mới hình thức vận động, tuyên truyền, thực hiện Quy tắc ứng xử. Đã có hơn 500 tuyên truyền viên ở 30 quận, huyện, thị xã tham dự vòng chung khảo cấp thành phố, chưa kể hàng nghìn người tham gia hội thi cấp cơ sở trước đó. Điều này khẳng định sự quan tâm đặc biệt của công chúng đối với cuộc vận động lớn của Thủ đô. Thông qua hội thi, các đơn vị đã mang đến tiếng nói gần gũi, thuyết phục, góp phần đẩy lùi hành vi chưa đẹp, vun đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng.

Nhân lên điều hay, việc tốt

Gần 2 năm đi vào cuộc sống, các Quy tắc ứng xử đã mang lại nhiều đổi thay tích cực. Một nền hành chính thân thiện, phục vụ đã và đang được định hình qua những việc làm, sáng kiến cụ thể. Nhiều điều hay, việc tốt được khởi phát, lan tỏa bằng tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội như mô hình “Tổ dân phố không rác”, “Đoạn đường tự quản văn minh” ở quận Tây Hồ; đề án “Đẹp” ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh; phong trào “Chung tay thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa ứng xử” của quận Hà Đông…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Đã có chuyển động rõ ràng, tích cực sau sự ra đời của Quy tắc ứng xử. Việc niêm yết công khai nội dung Quy tắc ứng xử, cung cấp đường dây nóng tại công sở giúp người dân dễ dàng nêu ý kiến, đồng thời là “gương soi” để mỗi cá nhân tự chấn chỉnh trong công việc. Các chương trình hành động ở trường học, bệnh viện… được phát động kèm hình thức động viên, khen thưởng, góp phần làm “nóng” thêm bầu không khí thi đua sôi nổi ở các cơ quan, đơn vị. Đó là cơ sở để chính quyền và nhân dân Thủ đô vững tin vào “cẩm nang” bồi đắp văn hóa ứng xử, tăng cường giải pháp căn cơ, chủ động góp phần lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, trong đó giải pháp cốt lõi vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động, chú trọng giám sát, kiểm tra.

Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-BCĐ và Kế hoạch số 11/KH-BCĐ để triển khai hai Quy tắc ứng xử giai đoạn 2018-2020 với nhiều nội dung, như: Niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử ở nơi dễ nhìn thấy trong cơ quan; hằng tháng tổ chức sinh hoạt chuyên môn về kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử; lồng ghép tuyên truyền về ứng xử văn minh qua hệ thống truyền thanh, bảng biển tại các điểm chợ, trung tâm thương mại, nút giao thông, nhà ga, bến tàu... hay trong các chương trình ngoại khóa ở các cấp học... Sở Tư pháp Hà Nội đã hoàn thành dự thảo Bộ chế tài xử phạt công chức, viên chức, người lao động vi phạm Quy tắc ứng xử, trình UBND TP Hà Nội xem xét ban hành trong thời gian tới.

“Thiết thực và gần gũi” là cảm nhận của số đông người dân khi tiếp cận nội dung Quy tắc ứng xử và những chương trình, kế hoạch nói trên. Với kết quả ấn tượng ban đầu, tin rằng sự đồng thuận của cộng đồng và giải pháp đi kèm sẽ tiếp tục tạo đà cho Quy tắc ứng xử “bén rễ” sâu trong đời sống, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.